Quang cảnh các tàu bốc dỡ hàng hóa tại Cảng container Quốc tế Cái Lân. (Ảnh: Hoàng Phương/TTXVN)
Ngày 5/11/2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” (Nghị quyết 06).
Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và chủ trương coi “hội nhập quốc tế là định hướng lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 với mục tiêu tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Chương trình hành động này sẽ xác định các nội dung công việc cụ thể, lộ trình, thời gian thực hiện mà các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tập trung thông tin, tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết.
Để nâng cao năng lực thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết nêu rõ cần xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là Chính phủ kiến tạo; thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cải cách tư pháp, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là nâng cao nhận thức về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế cùng với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội và phát triển năng lực hội nhập quốc tế; t hực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục quốc dân; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh.
Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tính kết nối, gia tăng liên kết vùng, khu vực và quốc tế; cung cấp dịch vụ, phát triển hệ thống phân phối và lưu thông hàng hóa với chất lượng cao; ưu tiên đầu tư và đa dạng hóa các loại hình thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông; rà soát kỹ các cam kết quốc tế và trên cơ sở luật pháp Việt Nam, chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật phù hợp (tiêu chuẩn công nghệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ-nguồn gốc, bảo vệ môi trường...) nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế song song với bảo vệ lợi ích của Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, các mặt hàng của Việt Nam.
Chương trình hành động cũng đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Cụ thể, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế, thúc đẩy hội nhập và giữ vững ổn định chính trị-xã hội. Trọng tâm là thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm an toàn nợ công, giảm bội chi ngân sách; giữ vững an ninh tài chính-tiền tệ quốc gia; tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy nhanh quá trình hình thành, phát triển đồng bộ và thông suốt các loại thị trường; đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu trên cơ sở đảm bảo an toàn hệ thống, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức tín dụng, từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam...
Đối với vấn đề lao động và xã hội, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thiết chế về lao động, việc làm, an sinh xã hội phù hợp với các cam kết, tiêu chuẩn quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; tăng cường năng lực thanh tra lao động; sớm hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ lao động, quan hệ xã hội, đặc biệt là những hoạt động phát sinh khi hình thành các tổ chức xã hội về quan hệ lao động, bao gồm sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động. Chủ động và triệt để thực hiện giảm nghèo bền vững theo cách tiếp cận đa chiều; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc, đảm bảo công bằng xã hội; chủ động xây dựng và thực hiện chính sách đảm bảo trợ giúp xã hội cho nhóm đối tượng chịu tác động không thuận của quá trình hội nhập.
Bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản cho con người như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến; nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh và bác sỹ gia đình; tăng cường nhân lực y tế cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu, tham gia vào thị trường lao động khu vực và toàn cầu./.