Chuyên gia vệ sinh Tadao Matsumoto, giám đốc đại diện của Hiệp hội Vệ sinh Y tế Nhật Bản, người có 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vệ sinh bệnh viện, cho biết vi khuẩn, phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc và các chất gây dị ứng khác có trong hầu hết ngôi nhà. Các phương pháp làm sạch sai lầm có thể khiến những vi trùng này phát tán và gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Chuyên gia dọn phòng người Nhật Chiaki Fujiwara cũng cho rằng, nếu nhà cửa không được vệ sinh đúng cách dễ gây viêm da, viêm mũi dị ứng, hen suyễn và các vấn đề khác, đặc biệt là trong môi trường nhiệt độ cao và ẩm ướt.
Các chuyên gia chỉ ra bốn sai lầm phổ biến của mọi người khi dọn nhà.
Nên mở hay đóng cửa sổ khi dọn nhà?
Nhiều người nghĩ phải mở cửa khi dọn nhà để bụi bẩn bay đi. Nhưng theo Tadao Matsumoto cách này chỉ phù hợp với nhà cấp bốn thông thoáng, không phù hợp với nhà phố và những khu dân cư đông đúc, bởi một lượng lớn bụi sẽ bị gió cuốn lên và phát tán khắp phòng. Dù bạn có lau chùi thế nào cũng không thể loại bỏ hết.
"Một trong những thủ thuật làm sạch là thu gom bụi hiệu quả nhất mà không làm chúng bay tung lên", Matsumoto nói. Nói cách khác, tất cả những gì bạn cần làm khi vệ sinh là xác định đường đi của gió và bụi, đồng thời tập trung vào những khu vực có xu hướng tích tụ bụi. Do đó, khi dọn nhà cần phải đóng cửa lại.
Sau khi lau nhà xong khoảng 15 phút, hãy tiến hành thông gió. Để thông gió, nên mở 10 cm ở cả hai bên cửa sổ. Cửa sổ mở càng hẹp, tốc độ gió càng nhanh và không khí lưu thông giữa cửa hút gió và cửa ra càng hiệu quả.
Lau ướt hay lau khô?
Chúng ta thường lau nhà bằng giẻ ướt ngay đầu tiên. Thực tế, sàn nhà và đồ nội thất có xu hướng tích tụ rất nhiều bụi bẩn, tóc và mảnh vụn thức ăn. Nếu dùng giẻ nhúng nước để lau sẽ dễ bị bụi bám vào các khe hở trên sàn, khó lấy ra.
Matsumoto khuyên gấp khăn giấy dùng một lần thành hình chữ V và lau với mục đích thu gom bụi bẩn. Sau đó pha một thìa baking soda với 500 ml nước nóng 80 độ đựng trong bình xịt để phun lên những chỗ bẩn trên sàn nhà. Sau 3 phút, sử dụng vải sợi nhỏ lau sạch. Lúc này, bạn có thể dùng chổi lau nhà lại lần cuối.
Nếu không có thời gian, bạn có thể chỉ tập trung vào việc dọn dẹp các ngóc ngách. Đặc biệt vào buổi sáng, toàn bộ bụi trong không khí đã lắng xuống sàn, việc nhẹ nhàng lau sạch bụi bằng khăn khô sẽ rất hiệu quả. Nên vệ sinh trước khi các thành viên gia đình dậy đi lại.
Nên lau như thế nào?
Có hai kiểu lau: một kiểu nhằm mục đích loại bỏ chất bẩn và kiểu kia nhằm mục đích khử trùng. Nếu bạn chỉ muốn loại bỏ vết bẩn thì không cần phải đặc biệt về phương pháp lau.
Khi lau bàn, nhà vệ sinh, tay vịn nhằm mục đích khử trùng, về cơ bản cần lau theo một hướng. Nếu bạn di chuyển nó như một chiếc gạt nước ôtô và lau qua lại, không chỉ vi khuẩn và virus bám lên tay, còn lây lan bẩn sang khu vực sạch. Đặc biệt khi vệ sinh bồn cầu, nơi có nguy cơ nhiễm trùng cao cần phải lau một chiều.
"Vi khuẩn thay đổi theo thời gian, vì vậy tốt nhất bạn nên làm sạch càng sớm càng tốt. Nếu là bàn ăn, hãy lau ngay khi ăn xong", chuyên gia nói.
Thứ tự dọn dẹp nhà cửa là gì?
Ngày nay, rất nhiều loại sản phẩm tẩy rửa được bày bán, từ máy hút bụi, robot lau nhà đến các thiết bị hữu ích sáng tạo khác. Việc dọn dẹp có thể khác nhau tùy thuộc vào mặt sàn và mục đích, nhưng Matsumoto nói rằng có ba bước cơ bản: quét, hút bụi và lau.
"Ở thời hiện đại, hành động quét bằng chổi đã giảm bớt nhưng nó vẫn là một phương pháp làm sạch hiệu quả để di chuyển rác", ông nói. Bước quan trọng nhất là lau và chìa khóa ở đây chính là lau khô.
Chuyên gia Matsumoto cho biết bụi sinh ra trong phòng bay lơ lửng trong không khí rồi rơi lên các bề mặt như sàn, hoặc giường tủ. Sau đó, chúng di chuyển theo các dòng không khí được tạo ra mỗi khi con người di chuyển, bật điều hòa hoặc mở cửa.
Ban đầu bụi rải rác khắp phòng nên thoạt nhìn có vẻ sạch sẽ. Tuy nhiên, nếu bạn để nguyên như vậy, nó sẽ dần dần tích tụ ở các góc phòng và xung quanh đồ đạc. "Để hút bụi hiệu quả, điều quan trọng là phải tập trung vào việc làm sạch những khu vực có xu hướng tích bụi, chẳng hạn như các góc phòng và xung quanh đồ nội thất", Matsumoto nói.