Nhân dịp ông Dương Minh Bình vừa có chuyến khảo sát tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), phóng viên (P.V) Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trò chuyện với ông về những triển vọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
P.V: Xin ông chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với chuyến khảo sát này?
Ông Dương Minh Bình: Tôi có nhiều tình cảm với quê hương Hà Tĩnh sau khi xem bộ phim “Ngã ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Tuy nhiên, về lĩnh vực du lịch thì biết rất ít, cho đến năm 2019, thông qua lời mời từ cán bộ phụ trách du lịch Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, tôi mới có dịp đến đây.
Chuyến đi đó, tôi cùng đoàn có khảo sát một số điểm đến theo định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tiếc là do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên kế hoạch phải hoãn lại.
Dịp tháng 3/2024 vừa qua, trong chuyến đi Tây Bắc, tôi có quen một bạn trẻ ở Hà Tĩnh có đam mê và đầy quyết tâm phát triển mô hình du lịch cộng đồng nên đã về quê bạn ở Lộc Hà chơi vài ngày. Đây cũng là thời gian tôi quan sát kỹ hơn về cuộc sống của người dân ven biển Hà Tĩnh. Lần này, với lời mời nhiệt tình từ Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh), tôi trở lại để khảo sát kỹ hơn điểm đến ở khu vực xã Thịnh Lộc (Lộc Hà). Qua đó, hướng tới triển khai dự án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đây.
P.V: Ông thấy tiềm năng về phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Lộc Hà cũng như Hà Tĩnh như thế nào?
Ông Dương Minh Bình: Tuyệt vời! Rất nhiều triển vọng để xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng ở Lộc Hà, cụ thể là ở xã Thịnh Lộc. Đó là những gì tôi có thể thấy được sau khi đi khảo sát các thôn Nam Sơn, Yên Điềm (xã Thịnh Lộc) và một số điểm đến vệ tinh xung quanh. Chúng tôi đã đi một vòng trên tuyến đường ven biển phía sau Resort Melia Vinpearl Cửa Sót, vòng qua trảng cát Truông Vùn đến cánh đồng gần hồ Khe Hao (xã Tân Lộc). Sau đó, đi đường núi qua chùa Chân Tiên trở về thôn Yên Điềm… Cảnh quan, thiên nhiên rất tươi đẹp và trong lành, văn hóa làng chài độc đáo.
Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt vời nếu du khách được trải nghiệm ở một không gian nông thôn có biển, đồng bằng, núi rừng, nhất là giao thông rất tiện lợi. Bên cạnh đó, khu vực này cũng có nhiều cơ sở du lịch khá tốt như: Resort Melia Vinpearl Cửa Sót, tương lai còn có dự án sân gofl phía dưới chùa Chân Tiên… Rất nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng thành công tại đây.
Hà Tĩnh là vùng đất có nhiều làng quê đẹp, văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, tôi thấy rất nhiều nơi có thể xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Điều quan trọng là quyết tâm của người dân và các cấp chính quyền trong xây dựng loại hình du lịch này.
P.V: Vậy, theo ông, Hà Tĩnh cần làm gì để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả?
Ông Dương Minh Bình: Như tôi vừa nói, điều đầu tiên phải là sự quyết tâm của người dân, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền. Trong đó, đối với xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, homestay, yếu tố quyết định phải là người dân địa phương. Khi người dân thấy được lợi ích của phát triển du lịch, biến khuôn viên nhà mình là nơi đón khách đến lưu trú, trải nghiệm với cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, mang lại nguồn thu nhập lớn… thì họ sẽ có động lực để đầu tư tiền bạc, công sức vào du lịch. Về phía chính quyền, cần có chủ trương, chính sách như: mời chuyên gia tập huấn, hướng dẫn cách làm, có những ưu đãi trong vay vốn đầu tư… tạo điều kiện hỗ trợ người dân xây dựng mô hình.
Sở dĩ nói du lịch nông nghiệp, nông thôn là hướng đi bền vững, là vì xây dựng mô hình này không phải đập đi xây mới, loại bỏ cái cũ bằng cơ sở hiện đại, thay vào đó, biến những ngôi nhà theo kiến trúc bản địa thành cơ sở lưu trú có dịch vụ đạt chuẩn 5 sao ở bên trong; biến một con đường làng thôn quê mộc mạc thành nơi trải nghiệm của du khách; công việc đồng áng, chài lưới hằng ngày của người dân lao động là sản phẩm để du khách khám phá.
Hàng chục mô hình du lịch cộng đồng mà tôi đã tư vấn, thiết kế, xây dựng thành công như: Mai Hịch, Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình), Hua Tạt (Mai Hồ, Sơn La), Pù Luông, Bá Thước (Thanh Hóa)…, đều đạt tiêu chuẩn 5 sao đối với các dịch vụ: ăn, ngủ, giải trí trong những ngôi nhà của người dân bản địa.
Hà Tĩnh phải xác định xây dựng mô hình du lịch cộng đồng là cả một quá trình dài, không phải làm liền là thu hút được khách ngay. Trên thực tế, hiện nay, Hà Tĩnh chưa phải là điểm đến thu hút du khách, do đó, việc triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng phải tập trung vào 1 điểm trước. Phải tập trung làm cho tốt 1 điểm, thu hút được khách trong nước, quốc tế thì mới có cơ sở để phát triển loại hình du lịch này rộng hơn và hiệu quả hơn.
P.V: Hà Tĩnh đã manh nha một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Để khai thác hiệu quả, theo ông, cần phải làm gì?
Ông Dương Minh Bình: Tôi chưa khảo sát hết nhưng theo tôi, một mô hình thành công trước tiên phải làm cho du khách cảm thấy thỏa mãn nhiều yếu tố khi lưu trú tại đây.
Trong đó, phải đặt ra câu hỏi: Du khách có hài lòng với việc ăn uống, ngủ, nghỉ, trải nghiệm, khám phá ở đó chưa? Khi người ta tổ chức một chuyến đi cho cả gia đình hay bạn bè, điểm đến của bạn đã đảm bảo không gian thư giãn phù hợp với các lứa tuổi chưa? Người ta lựa chọn điểm đến của bạn hay không? Trả lời được câu hỏi đó thì bạn sẽ đánh giá được mô hình có thành công hay không?
Ngoài ra, muốn xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng, yếu tố quan trọng không kém là cơ sở du lịch phải kết nối được với các đơn vị lữ hành.
Trước khi trở thành chuyên gia tư vấn xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, tôi từng là người đầu tiên ở Việt Nam tổ chức thiết kế các tour du lịch châu Âu và các nước trên thế giới; giám đốc kinh doanh của đơn vị lữ hành lớn nhất Việt Nam…, do đó, tôi rất hiểu tầm quan trọng của các đơn vị lữ hành. Và, khi đã xây dựng mô hình đạt các tiêu chuẩn đề ra, được sự “hậu thuẫn” của các đơn vị kinh doanh lữ hành nữa thì việc thu hút du khách là điều không khó. Đó cũng là mức độ đánh giá hiệu quả của một mô hình du lịch cộng đồng.
P.V: Xin cảm ơn ông!