Nhà thờ do kiến trúc sư Bourad thiết kế và thi công theo mô phỏng từ nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp. Vì thế người dân ít khi gọi tên chính thức của nó - là “Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội” – mà quen gọi là Nhà thờ Đức Bà cho gần gũi, dễ nhớ, và cũng là cách để liên tưởng đến nhiều nhà thờ Đức Bà (Notre Dame) khác trên thế giới.
Ba lần tôn tạo
Đầu tiên phải kể đến việc xây thêm hai đỉnh tháp chuông vào năm 1895, sau khi Nhà thờ đã khánh thành được 15 năm. Lý do của việc xây thêm này gần như không được công bố rộng rãi, nhưng theo giới nghiên cứu kiến trúc, có lẽ để làm rõ nét hơn phong cách gothic (kiểu mái vòm vuốt nhọn), dù công trình này còn kết hợp phong cách roman (kiểu vòm cong tròn). Cũng có ý kiến cho rằng đây là cách tìm kiếm một vài nét riêng, để nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn khác một chút với nhà thờ Đức Bà ở Paris, ở Nice (Pháp) và nhiều nhà thờ Đức Bà khác trên thế giới.
Từ trái qua là các nhà thờ Đức Bà ở Paris, ở Nice, ở Sài Gòn (trước năm 1895) với những nét tương đồng nhất định
Cũng xin nhắc lại rằng, ban đầu hai tháp chuông cao 36,6m, không có mái, nên việc xây thêm để nâng chiều cao lên 57,6 m, nếu tính luôn đỉnh thánh giá là 60,50 m, với có 6 chuông đồng nặng khoảng 28,85 tấn là việc không hề đơn giản. Linh mục Hồ Văn Xuân (Trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà) đã cho biết về 3 giai đoạn trùng tu là mái, nội thất, và tháp chuông. Cho nên việc xây thêm hai tháp chuông hồi 1895 (do kiến trúc sư Gardes thiết kế riêng) cũng là trùng tu lớn.
Kế đến là năm 1903, tại vườn hoa trước nhà thờ, người Pháp cho dựng tượng đồng Pigneau de Béhaine, tay trái dẫn hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) trong tư thế bước tới. Đây có thể nói là lần tôn tạo thứ hai, tạo lập cảnh quan, vì không gian trước nhà thờ khi có tượng và khi không có tượng rất khác nhau. Đến năm 1945, tượng bị phá bỏ dưới thời của Chính phủ Trần Trọng Kim.
Năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên đặt tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch trắng của Ý. Ngày 16/2/1959 làm lễ dựng tượng ngay trên đế tượng Pigneau de Béhaine và dâng tước hiệu Nữ vương hòa bình, từ đây mọi người mới gọi là nhà thờ Đức Bà. Lần tôn tạo thứ ba này khá quan trọng, nó gián tiếp giúp định hình tên gọi mới (dù không chính thức) suốt nửa thế kỷ qua.
Tượng Nữ vương hòa bình và hai tháp chuông là những dấu ấn lớn về tôn tạo trong quá khứ
Dấu ấn lịch sử ở những viên ngói
Theo sử liệu, ngày 7/10/1877, Nhà thờ được khởi công, khoảng hai năm rưỡi sau, ngày 11/4/1880 thì khánh thành. Công trình với chiều dài 93m, rộng 35m và cao 75m, với vật liệu đa phần phải mang từ Pháp đến, mà đạt tiến độ như vậy là rất nhanh. Chúng ta đã quá quen với các công trình bị xây dựng ì ạch, mỗi lần đi ngang nhà thờ này và nghĩ đến khoảng hai năm rưỡi để hoàn thành, chắc sẽ được thêm một lần trầm trồ.
Đa phần gạch ngói xây dựng được làm tại Marseille (Pháp), thế nhưng năm 2004, khi tôn tạo nhẹ lại mái ngói, người ta thấy một số viên ngói khắc chữ “Wang-Tai Saigon”, rồi ngói Indochinois (Đông Dương), ngói Phú Hữu… nữa, chứng tỏ việc trùng tu (ít nhất là mái ngói) đã diễn ra mấy lần trước đó.
Hai loại ngói sau thì nhiều người biết rồi, còn Wang-Tai là ai? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, Wang-Tai (Vương Đại) là một Hoa kiều sống ở Sài Gòn từ khoảng 1859. Ông được nhiều tác giả người Pháp (thập niên 1880, 1890) ca ngợi vì có ngôi nhà bằng gạch lớn và đẹp nhất Sài Gòn, ngay bến Bạch Đằng ngày nay. Dọc các thương cảng ở Sài Gòn, dọc theo rạch Bến Nghé có rất nhiều xưởng làm gạch và ngói của Vương Đại. Tại triển lãm về công nghiệp và nông nghiệp năm 1880, gạch của ông được huy chương bạc; tại triển lãm quốc tế năm 1878 ở Paris, đồ gốm sản xuất ở Chợ Lớn của ông cũng xuất hiện.
Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn là một trong những di tích kiến trúc - lịch sử - văn hóa có vị thế quan trọng bậc nhất của thành phố.
Truy lại nguồn hay hậu duệ làm gạch ngói của Vương Đại, hoặc Phú Hữu có thể góp một phần vào việc trùng tu nhà thờ Đức Bà hiện nay.