Chuyện ở gia đình có 3 anh em khiếm thị

(Baohatinh.vn) - Vượt qua mặc cảm, tự ti, 3 anh em Lê Hữu Đức (1975), Lê Hữu Nghĩa (1979) và Lê Hữu Tuệ (1985) ở thôn Tây Bắc, xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) được biết đến như tấm gương điển hình vượt khó, làm điểm tựa cho những người cùng chung cảnh ngộ.

Sinh ra trong một gia đình có 6 người con ở thôn Tây Bắc, không may cho 3 anh em Lê Hữu Đức, Lê Hữu Nghĩa và Lê Hữu Tuệ bị mù bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam. Không thấy ánh sáng, nghĩ cảnh bạn bè cắp sách tới trường, cả 3 anh em không khỏi chạnh lòng. Cuộc sống cơ cực cùng khiếm khuyết trên cơ thể khiến cả 3 tự nhốt mình trong nhà và chỉ quẩn quanh với những việc lặt vặt, không hy vọng, không ước mơ.

Chuyện ở gia đình có 3 anh em khiếm thị

Sau nhiều năm vất vả, anh Lê Hữu Tuệ và anh Lê Hữu Nghĩa đã có một cơ sở tẩm quất do chính mình làm chủ.

Cuộc sống tưởng chừng mãi u buồn như thế, cho đến năm 2000, nhờ sự giúp đỡ, động viên của Hội Người mù Hà Tĩnh, cuộc đời 3 anh em khiếm thị như bước sang trang mới. Họ được kết nạp vào Hội Người mù, được học chữ braille rồi dần dần biết đọc, biết viết. Sau này, hội còn tổ chức cho 3 anh em cùng những người khiếm thị khác học làm tăm, làm chổi… để kiếm kế sinh nhai, tự trang trải cuộc sống. Năm 2006, nhận được sự hỗ trợ của hội, cả 3 anh em đã tham gia lớp học tẩm quất, massage.

Anh Lê Hữu Tuệ chia sẻ: “Sau nhiều năm làm thuê tại các trung tâm tẩm quất, massage, tôi cũng đã gom góp được một ít vốn và tự đứng ra làm chủ một cơ sở tẩm quất vào đầu năm 2016. Mỗi ngày, chúng tôi đón từ 20-30 lượt khách đến tẩm quất, thu nhập cũng khá. Ngoài tôi và anh trai thứ 4, còn có 5 nhân viên khác cũng là những người có chung cảnh ngộ”.

Chuyện ở gia đình có 3 anh em khiếm thị

Mái ấm nhỏ tràn ngập tiếng cười của gia đình anh Lê Hữu Tuệ.

Không làm cùng 2 người em của mình, anh trai thứ 3 Lê Hữu Đức lại làm tẩm quất ở một cơ sở khác tại đường Lý Tự Trọng (TP Hà Tĩnh). Nhờ siêng năng, chăm chỉ, cả 3 anh em đều đã gặp được những người vợ thảo hiền, có một tổ ấm nhỏ và công việc có thể nuôi sống được cả gia đình.

Đối với họ, ngoài lo cho bản thân, còn khao khát muốn được giúp đỡ những người có chung cảnh ngộ. Anh Lê Hữu Nghĩa tâm sự: “Trải qua nhiều vất vả, thiệt thòi, chúng tôi cũng đã nỗ lực hết mình và có được một cuộc sống ổn định nhờ sự giúp đỡ của xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn được giúp đỡ, nhân lên tia hy vọng cho những người thiệt thòi như mình. Chúng tôi tin rằng, nếu cố gắng và có niềm tin thì những người khiếm thị khác cũng sẽ có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc”.

Dám vượt qua số phận, ước mơ và nỗ lực hết mình để hiện thực hóa ước mơ là điều đáng quý ở bất cứ ai, đặc biệt với những người khiếm thị. Những gì mà 3 anh em khiếm thị Đức, Nghĩa, Tuệ đã và đang nỗ lực chính là động lực cho nhiều bạn trẻ thiếu may mắn vươn lên trong cuộc sống.

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.