Nhiều ngày đã trôi qua nhưng dư âm đẹp và những cảm xúc vui sướng, tự hào từ Cuộc thi Khoa học kĩ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2022 - 2023 (Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết vào sáng 3/2/2023) vẫn nguyên vẹn đối với giáo viên, học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao 7 giải nhất cuộc thi, trong đó có 3 giải nhất thuộc về các nhóm học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng.
Thầy Nguyễn Nam Thắng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ: “Với 3 dự án đạt giải nhất cấp tỉnh (toàn tỉnh có 7 giải nhất), trong đó, dự án hệ thống khóa cửa thông minh là 1 trong 2 sản phẩm được ngành giáo dục lựa chọn tham dự cuộc thi cấp quốc gia, trường được đánh giá là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. Đây cũng là năm trường có kết quả cao nhất trong các kỳ tham gia Cuộc thi Khoa học kĩ thuật học sinh trung học”.
Sự “gặp gỡ” trong ý tưởng về nghiên cứu hệ thống khóa cửa thông minh trong thời đại công nghệ 4.0 đã đưa 2 học sinh Nguyễn Quốc Trung (lớp 12A8) và Trần Bình Minh (lớp 11A8) đến với nhau để tạo thành nhóm nghiên cứu. Từ niềm say mê sáng tạo, vận dụng kiến thức đã được học áp dụng vào thực tiễn, kết hợp với sự hướng dẫn của thầy giáo bộ môn Vật lý - Nguyễn Đức Đồng, sau 5 tháng hình thành và triển khai ý tưởng, dự án hệ thống khóa cửa thông minh đã được hoàn thiện.
Video: Em Trần Bình Minh (lớp 11A8) giới thiệu về hệ thống khóa cửa thông minh.
Với việc tích hợp các khả năng: nhận dạng khuôn mặt, thẻ từ, mật khẩu, hệ thống khóa cửa thông minh của nhóm tác giả không chỉ đảm bảo yêu cầu bảo mật, an ninh mà còn có chế độ điểm danh dành cho các công ty, xí nghiệp, trường học. Ý tưởng của dự án đã thực sự tạo ấn tượng sâu sắc đối với ban giám khảo, để từ đó, vượt qua 73 dự án tham gia vòng chung kết, vinh dự trở thành 1 trong 2 dự án của Hà Tĩnh được lựa chọn tham dự cuộc thi quốc gia.
Dự án “Hệ thống khóa cửa thông minh” của 2 học sinh Nguyễn Quốc Trung (lớp 12A8) và Trần Bình Minh (lớp 11A8) với sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Đức Đồng đã được lựa chọn tham gia cuộc thi cấp quốc gia.
Em Trần Bình Minh (lớp 11A8) - 1 trong 2 tác giả của dự án thông tin: “Quá trình thực hiện ý tưởng, chúng em gặp không ít khó khăn, nhiều lúc cũng nản lòng. Thế nhưng, niềm say mê sáng tạo, sự quan tâm, tạo điều kiện về vật chất, tinh thần của nhà trường và đặc biệt là sự đồng hành giúp đỡ của thầy giáo hướng dẫn đã giúp chúng em thêm quyết tâm trong quá trình thực hiện ý tưởng”.
Niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo đã giúp 2 em giành kết quả ngọt ngào.
Niềm vui cũng đã đến với 2 dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hành vi gồm: Dự án “Một số biện pháp nâng cao nhận thức cho học sinh THPT về văn hóa sử dụng mạng xã hội tiktok” của nhóm tác giả Trần Đoàn Khánh Tân (lớp 10D4) - Trần Văn Trung Quân lớp (11A8) và Dự án “Nghiên cứu hội chứng sợ bị bỏ lỡ Fomo của học sinh THPT khu vực thành phố Hà Tĩnh” của nhóm tác giả Nguyễn Hữu Quang Vinh (lớp 12A8) - Nguyễn Trần Minh Đức (lớp 12A8).
Nhóm tác giả Trần Đoàn Khánh Tân (lớp 10D4) - Trần Văn Trung Quân lớp (11A8) và cô giáo hướng dẫn Lê Thị Hồng Thanh.
Em Trần Đoàn Khánh Tân (lớp 10D4) chia sẻ: “Vấn đề văn hóa sử dụng mạng xã hội tiktok không phải là đề tài mới nhưng lại rất gần gũi với giới trẻ và được nhiều người quan tâm. Để tìm ra giải pháp cho vấn đề này, chúng em đã có một quá trình đi khảo sát thực tế ở các trường thuộc nhiều khu vực để thống kê số liệu. Quá trình thực hiện đề tài tuy vất vả nhưng cũng giúp chúng em tích lũy cho mình được nhiều kỹ năng. Ngoài niềm vui giành được giải nhất, em cũng mong thông qua dự án của mình sẽ giúp các bạn học sinh sử dụng mạng xã hội tiktok một cách thông thái, có lợi cho mình”.
Dự án “Nghiên cứu hội chứng sợ bị bỏ lỡ Fomo của học sinh THPT” là một đề tài hoàn toàn mới mẻ tác động đến thói quen, nhận thức của học sinh đối với thế giới ảo. Điều khó khăn khi nhóm tác giả bắt tay thực hiện đề tài này là quá trình khảo sát, nhiều học sinh không biết rõ mình mắc hội chứng này và xem đó là một biểu hiện rất bình thường. Điều đó ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu, tổng hợp số liệu để đưa ra giải pháp.
Nhóm tác giả Nguyễn Hữu Quang Vinh (lớp 12A8) - Nguyễn Trần Minh Đức (lớp 12A8) cùng cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hạnh trong quá trình khảo sát ý kiến học sinh về hội chứng sợ bị bỏ lỡ Fomo tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà).
Cô Nguyễn Thị Thúy Hạnh - giáo viên hướng dẫn dự án cho biết: “Quá trình thực hiện dự án đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các em đều rất nghiêm túc trong các bước thực hiện. Niềm say mê nghiên cứu của các em đã lan tỏa năng lượng tích cực cho tôi trong quá trình đồng hành thực hiện dự án. Giải nhất cấp tỉnh là niềm vui bất ngờ đối với cô trò chúng tôi”.
Thành công lớn nhất mà giáo viên, học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng gặt hái được qua cuộc thi không chỉ là những giải thưởng mà còn là cơ hội để học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về ý tưởng, tư duy sáng tạo. Đó chính là động lực để các em tự khẳng định mình, tiếp tục phấn đấu, phát triển năng lực của bản thân, vận dụng những kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Để phát huy năng lực của học sinh, ngoài việc chú trọng ứng dụng dạy học stem, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, thời gian qua, Trường THPT Phan Đình Phùng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em phát huy các ý tưởng sáng tạo. Theo đó, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu đã chỉ đạo chuyên môn phối hợp với đoàn trường phát động cuộc thi ý tưởng sáng tạo KTKT cho học sinh toàn trường. Từ đó, nhà trường lựa chọn các ý tưởng tốt, tổ chức xây dựng kế hoạch nghiên cứu và phân công giáo viên theo dõi hướng dẫn. Đây cũng được xem là giải pháp tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường.