Chuyện về cây “ATM gạo” miễn phí ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (22/4), “ATM gạo” miễn phí mùa dịch Covid-19 tại Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh Hà Tĩnh (đường Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh) chính thức hoạt động. Mấy ngày nay, trên mạng xã hội râm ran câu chuyện này, người ủng hộ nhiều nhưng người phản đối cũng có. Và đặc biệt, rất nhiều người “hiến kế” để hoạt động của “ATM” này đảm bảo giá trị nguyên nghĩa.

Chuyện về cây “ATM gạo” miễn phí ở Hà Tĩnh

Cây “ATM gạo” miễn phí tại Hà Tĩnh sẽ đi vào hoạt động trong hôm nay (22/4)

Nhiều người lo ngại sẽ có cảnh chen lấn, tập trung đông người. Việc đó có không? Cũng có thể! Điển hình như cây “ATM gạo” ở Hà Nội, vì lý do đó mà từng phải tạm đóng cửa. Có việc trà trộn, người không thực sự thiếu vẫn đến nhận gạo không? Cũng có thể! Nhưng nếu có, tôi tin, cũng chỉ là số ít. Vì thông điệp "nếu thiếu, hãy lấy 1 phần, nếu bạn ổn, xin dành người khác” đã được truyền tải đến bà con Hà Tĩnh.

Chuyện về cây “ATM gạo” miễn phí ở Hà Tĩnh

Lượng người đến nhận gạo quá đông, không đảm bảo khoảng cách phòng dịch Covid-19 nên "ATM gạo" đặt tại phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tạm dừng cấp phát gạo miễn phí cho người nghèo (Ảnh: Báo Thanh Niên).

Và để hạn chế tình trạng này, có bạn đề xuất lắp camera giám sát. Nên hay không? Mình cho là không. Vì đa số những người đến đây nhận gạo, họ thực sự thiếu, cần trợ giúp. Và, mô hình “ATM gạo” miễn phí là mô hình trợ giúp nhân văn nhất, giúp người nhận bớt cảm giác ái ngại vì “xin gạo”.

Và cũng vì thế, rất mong những chiếc camera của anh em Facebook, Youtube đừng chăm chăm chỉa vào họ. Hẳn bài học về đoạn clip ghi lại hình ảnh một cô gái bị từ chối phát gạo tại cây “ATM gạo” ở quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh mới đây khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ.

Chuyện về cây “ATM gạo” miễn phí ở Hà Tĩnh

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, người dân rất nghiêm túc tuân thủ các quy định khi đến nhận gạo tại các cây “ATM gạo” miễn phí...

Có bạn cho rằng, tại sao không đưa về các huyện khó khăn, thành phố chưa cần. Nhưng có lẽ thời điểm này, thành phố là hợp lý nhất.

15 ngày giãn cách xã hội, người dân nông thôn còn xoay xở được bằng hạt lúa, củ khoai, nắm rau, vại cà trong vườn nhà. Còn cư dân đô thị, có rất nhiều người lao động công nhật, với họ, nghỉ làm là đói ăn.

Cũng có bạn thắc mắc, tại sao không phát về tận hộ. Thưa rằng, việc cứu trợ đối với người gặp khó khăn do dịch Covid-19 bằng nhiều kênh và chúng ta đã và đang làm tốt. “ATM gạo” miễn phí là một mô hình nhằm tạo cho người nhận tâm lý “mình được nhận gạo của mình” và người tặng gạo cũng tránh được cảm giác ban ơn.

Chuyện về cây “ATM gạo” miễn phí ở Hà Tĩnh

...góp phần nâng lên giá trị nhân văn của hình thức hỗ trợ này

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, biết đâu sau này, những người nhận túi gạo 5kg hôm nay sẽ quay lại đổ vào máy ATM dăm ba túi gạo, góp phần hỗ trợ người khác.

Đó là tính nhân văn của mô hình “ATM gạo” miễn phí. Hy vọng và tin rằng, bà con phát huy tính nhân văn, bản lĩnh của con người Hà Tĩnh, dẫu khốn khó vẫn rất giàu tình thương.

Covid rồi sẽ sớm qua đi, nhưng mô hình này sẽ còn phù hợp nếu chẳng may lại có những cơn hoạn nạn. Nó sẽ làm đầy hơn tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, nhân ái của người con đất Việt. Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.