Cô gái người Anh có tên Beth Goodier (22 tuổi) đáng lẽ đã tốt nghiệp Đại học và bắt đầu công việc của một chuyên gia tâm lý nhi khoa. Vốn có thành tích học tập ấn tượng thời trung học, cộng thêm sự tự tin và một ngoại hình sáng, Beth có đủ mọi lý do để có thể tin vào một tương lai xán lạn đang chờ đợi mình ở phía trước.
Thế nhưng ngay trước sinh nhật năm 17 tuổi, Beth thấy một cơn buồn ngủ ập tới và giấc ngủ đó kéo dài tới tận… 6 tháng sau.
Trong 6 tháng ngủ mê mệt này, cô gái không thể ở vào trạng thái tỉnh thức một cách thực sự tỉnh táo để có thể làm được bất cứ việc gì hiệu quả. Trong suốt 6 tháng, Beth thường xuyên ngủ 22 tiếng/ngày và chỉ dành rất ít thời gian để đi lại, sinh hoạt như đang trong trạng thái mộng du, nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của cơ thể.
Kể từ đó đến nay, Beth mất tới 75% thời gian cuộc sống chỉ dành để… ngủ. Giờ đây, đã ở tuổi 22, Beth là một trong những trường hợp hy hữu được y học chẩn đoán mắc phải hội chứng “Sleeping Beauty” (Người đẹp ngủ), một cái tên khá “thơ mộng” lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích nổi tiếng “Người đẹp ngủ trong rừng”.
Beth Goodier là một trong những trường hợp hy hữu mắc phải hội chứng “Sleeping Beauty” (Người đẹp ngủ) - cái tên được lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích “Người đẹp ngủ trong rừng”.
Dù vậy, Beth vẫn kịp tìm cho mình một người bạn trai gắn bó lâu năm, đó là Dan, một giáo viên tiểu học 25 tuổi. Beth đã gặp Dan trong một nhịp “thức” của cô cách đây 3 năm.
Mặc dù câu chuyện cổ tích lãng mạn “Người đẹp ngủ trong rừng” đưa lại cái kết có hậu cho nữ nhân vật chính, nhưng trong cuộc sống thật, khi mắc phải hội chứng “Người đẹp ngủ”, Beth đã phải đối diện với thực tế rất u ám, bởi cô đã mắc phải hội chứng này trong những năm tháng định hình quan trọng nhất của cuộc đời.
Trong khi các bạn mải miết học hành, du lịch, khám phá bản thân và cuộc sống, thì việc Beth làm “tốt nhất” và nhiều nhất, chỉ là… ngủ. Cho tới tận hôm nay, y học vẫn biết rất ít về căn nguyên thực sự gây ra hội chứng rối loạn giấc ngủ này và thậm chí người ta còn biết ít hơn nữa về phương pháp chữa trị căn bệnh.
Đặc biệt, căn bệnh này thường chỉ gặp phải ở lứa tuổi teen, độ tuổi thường mắc bệnh này nhất là những thiếu niên 16 tuổi, căn bệnh thường kéo dài trong 13 năm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học và lập nghiệp của người bệnh.
Hiện tại, Beth đang trong một chu kỳ ngủ và đã ngủ được 2 tháng rưỡi. Để giúp Beth thoát ra khỏi tình trạng ngủ triền miên, các bác sĩ đã thử nhiều loại thuốc, thử tác động bằng âm thanh, tiếng ồn nhưng đều không “ăn thua”.
Khi đang trong một nhịp “ngủ”, mỗi khi thức dậy để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của cơ thể, Beth đều cảm thấy rất hoang mang và cô độc, nhưng rồi rất nhanh chóng, cơn buồn ngủ lại xấm chiếm lấy cô. Khi chuyển sang nhịp “thức” và nhận ra tất cả những gì mình đã bỏ lỡ sau một nhịp “ngủ” dài, Beth thường buồn bã, lo lắng, và suy sụp.
Giờ đây, sau 5 năm sống chung với căn bệnh lạ, tất cả những gì Beth và gia đình cô có thể làm là chờ đợi đến một thời điểm, khi bỗng nhiên giấc ngủ dài chấm dứt và Beth trở lại là cô gái trẻ hoạt bát, vui tươi.
Mẹ của Beth - bà Janine chia sẻ: “Khi Beth bỗng nhiên thức dậy và thấy mình tỉnh táo, ngay sau đó sẽ là một cuộc chạy đua với thời gian để Beth có thể sống cuộc sống bình thường đáng có. Beth sẽ rượt đuổi theo các bạn để cố gắng bắt kịp. Có thể, Beth sẽ chạy ngay ra tiệm làm tóc để có được kiểu tóc mốt nhất. Không ai biết khi nào Beth sẽ lại rơi vào cơn buồn ngủ tiếp theo”.
Kể từ khi mắc phải hội chứng đặc biệt này, Beth ngủ nhiều hơn thức, cô đã ngủ qua rất nhiều ngày sinh nhật và lễ Giáng sinh, những kỳ nghỉ hè… Khi thức dậy, Beth không hề có ý niệm gì về mặt sinh học cho biết cô đã ngủ quá nhiều và để lỡ mất những khoảng thời gian quan trọng.
Vì căn bệnh này mà Beth đã phải bỏ dở việc học Đại học. Mẹ của cô cũng phải nghỉ việc để trông nom con gái mỗi khi cô rơi vào một nhịp “ngủ”.
Beth khi đang trong một nhịp “thức”.
Hiện tại, Beth lại đang trong một nhịp “ngủ” và cô đã ngủ được 2 tháng rưỡi.