Nàng Rose và sợi dây chuyền “Trái tim đại dương” trong phim “Titanic” (1997).
Sợi dây chuyền gắn viên kim cương xanh mang tên “Trái tim đại dương” từng xuất hiện trong bộ phim “Titanic” (1997) đã trở thành hình ảnh biểu tượng của phim. Ngoài đời thực, cũng có một món trang sức mang câu chuyện cảm động tương tự, đó là một mặt dây chuyền vàng lồng khung ảnh đã từng được tìm thấy dưới đáy đại dương, nơi có xác tàu Titanic.
Sợi dây chuyền thuộc về một người phụ nữ đã sống sót sau vụ chìm tàu, nhưng người chồng của bà thì vĩnh viễn ở lại trong lòng biển sâu, bởi ông muốn nhường cơ hội được sống cho vợ. Sợi dây chuyền có thật này kể câu chuyện có thực về tình yêu, sự hy sinh, mất mát…
Đó không phải sợi dây chuyền mà nàng Rose đã ném xuống biển khơi khi đứng trên boong tàu Titanic, mà là một mặt dây chuyền đã được đội thợ lặn tìm thấy dưới đáy biển, vốn thuộc về một nữ hành khách có mặt trên chuyến tàu định mệnh. Câu chuyện có thực này có thể sánh ngang với chuyện phim kinh điển trong bộ phim “Titanic”.
Trong một vali hành lý, người ta đã tìm thấy mặt dây chuyền có chạm khắc hai chữ cái cách điệu “VC”, tra cứu lại tên của các hành khách từng có mặt trên tàu, thì trùng khớp với tên của một nữ hành khách ở trên khoang hạng nhất có tên Virginia Estelle McDowell Clark. Bà Virginia Clark lên tàu Titanic cùng với chồng - ông Walter Miller Clark.
Mặt dây chuyền của hành khách Virginia Estelle McDowell Clark
Câu chuyện về cặp vợ chồng nhà Clark đã được lần lại. Giờ đây, những hiện vật và câu chuyện xoay quanh họ trở thành chủ đề trưng bày cho một cuộc triển lãm tổ chức ở thành phố Las Vegas, nhân sự kiện tưởng niệm 105 năm ngày chìm tàu Titanic (15/4/1912).
Khi có mặt trên tàu Titanic, vợ chồng nhà Clark đang trong kỳ nghỉ tuần trăng mật, họ trở về Mỹ từ Châu Âu. Tuần trăng mật này thực tế được cặp đôi thực hiện khá muộn sau hôn lễ, bởi khi đó cặp đôi đã có một cậu con trai 2 tuổi. Hai người quyết định trở về Mỹ sớm để kịp đón mừng sinh nhật cùng con trai đang đợi ở nhà.
Theo câu chuyện được bà Virginia Clark kể lại về sau, lúc tàu Titanic gặp nạn, chồng bà đang chơi bài, bà liền chạy lại báo cho chồng rằng bất trắc đã xảy ra. Hai người nhanh chóng lên boong. Ông Walter Clark giúp vợ tìm được một chỗ trên thuyền cứu hộ lúc đó đã bắt đầu được thả xuống.
Dù vậy, số phận đã không mỉm cười với vợ chồng nhà Clark bởi sau khi đã lo xong an toàn cho vợ, ông Clark không thể tìm được cho mình một chỗ trên chiếc xuồng cứu hộ nào khác…
Cảnh trong phim “Titanic”
Chuyện tình của vợ chồng nhà Clark bắt đầu từ khi họ còn là những đứa trẻ cùng sinh ra và lớn lên ở bang Montana. Ở tuổi trưởng thành, ông Walter có thời gian rời xa quê nhà đi lập nghiệp, nhưng rồi ông lại quay trở về để tìm gặp lại Virginia và cầu hôn.
Ngày 10/4/1912, con tàu Titanic thực hiện chuyến hải trình đầu tiên từ cảng Southampton của Anh tới New York, Mỹ. Trên tàu có khoảng 2.344 hành khách. Con tàu được cho là lớn nhất, tối tân, sang trọng nhất thời bấy giờ có chiều dài 269,06m. Ở khoang hạng nhất, các đồ nội thất rất xa hoa, đón tiếp những vị khách giàu có, quyền lực trong xã hội phương Tây.
Khi con tàu bắt đầu thực hiện cuộc hải trình, đã có hơn 100.000 người đứng trên bờ xem tàu rời cảng. Tàu Titanic đã gặp nạn và chìm ngoài Đại Tây Dương vào ngày 15/4//1912 sau khi đâm phải một tảng băng trôi. Hơn 1.500 người đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu.
Trên tàu Titanic có những phòng tập thể thao, thư viện, bể bơi, nhà hàng, cabin sang trọng… Nhưng riêng xuồng cứu hộ là không được chuẩn bị đầy đủ. Vì vậy, vào đêm ngày 14/4/1912, khi cuộc hải trình đã diễn ra được 4 ngày, một tai nạn kinh hoàng xảy đến vào lúc nửa đêm, các hành khách chạy lên boong thì lúc này, xuồng cứu hộ không có đủ cho tất cả.
Cảnh trong phim “Titanic”
Trong đêm xảy ra sự cố, thủy thủ có tên James Moody làm nhiệm vụ trực đêm, khi vụ va chạm sắp xảy ra, thủy thủ này đã nhận được cuộc gọi từ người làm nhiệm vụ gác tàu trên boong. James Moody hỏi: “Anh thấy gì à?”. Người gác tàu đáp: “Băng trôi, chết rồi”.
Đến 2h20 sáng ngày 15/4/1912, vẫn còn nhiều người trên boong tàu đắm Titanic, tàu chìm xuống đáy biển khơi… Mặc dù có nhiều tín hiệu cứu hộ khẩn cấp đã được phát đi từ tàu Titanic, nhưng con tàu đầu tiên tiếp cận được hiện trường vụ chìm tàu - tàu Carpathia - cũng phải mất tới hai tiếng sau mới kịp xuất hiện.
Đến tận năm 1985, xác tàu mới được tìm thấy, khi đó, tất cả những gì đội thợ lặn còn được thấy về con tàu tối tân một thuở là một thân tàu đã bị gãy đôi nằm rỉ sét dưới đáy biển.