Thành phố Hà Tĩnh được biết đến là mảnh đất nên thơ, chan chứa nghĩa tình nhưng rất đỗi hiên ngang, anh dũng. Truyền thống văn hóa, lịch sử và hơi thở thời đại của thành phố là nguồn tư liệu ngồn ngộn cho các nhạc sỹ trong và ngoài tỉnh.
Chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng tác phẩm âm nhạc viết về thành phố, chỉ biết rằng, mỗi bước đi của mảnh đất Thành Sen, những tâm tình của người Thành Sen đã được các nhạc sỹ khái quát, hình tượng hóa trong ngôn ngữ của âm nhạc, khiến cho Thành Sen trở nên gần gũi hơn với bao người.
TP Hà Tĩnh vẫn được Nhân dân quen gọi là Thành Sen - gắn với huyền thoại về loài hoa sen ở Hào Thành xưa. Sen xuất hiện nhiều trong đời sống văn hóa của người dân TP Hà Tĩnh nên cũng trở thành một chất liệu trong đời sống văn học nghệ thuật. Trong đó, rất nhiều tác phẩm âm nhạc viết về TP Hà Tĩnh đã khai thác chất liệu này. “Thành Sen hoa nở” của nhạc sỹ Thuận Yến là một trong những tác phẩm nhắc lại sự kiện lịch sử có ý nghĩa với người dân Hà Tĩnh - Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh nhưng nhạc sỹ cũng đã khéo léo lồng vào đó hình ảnh bông hoa sen như muốn khắc họa rõ hơn loài hoa có nhiều mối liên kết với vùng đất này. “Nhớ một lần Bác đến thăm/ Bên hồ sen tươi nở/ Hương bay về nơi ở/ Mái nhà sàn đơn sơ/ Chỉ một lần Bác đến thăm/ Để ngàn năm nhớ mãi/ Lời Bác còn để lại/ Mong mai này thành một đài sen”...
Cũng khai thác đề tài ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, ca khúc “Thành Sen nhớ Bác” của nhạc sỹ Lê Tâm với giai điệu du dương, tha thiết lại như một lời kể chuyện thủ thỉ.
Hình ảnh Người giản dị cùng tấm áo nâu, đứng bên hồ sen Tỉnh ủy mãi khắc sâu vào tâm trí người dân Hà Tĩnh nói chung, người dân Thành Sen nói riêng. “Bao năm rồi Bác đã về đây/ Nhớ Thành Sen ngày vui đón Bác/ Bên hồ sen thơm ngát/ Quần áo nâu mộc mạc như đồng đất quê ta/ Hình bóng Cha già lồng lộng bao la/ Thành Sen ơi! Bao mùa sen đã qua hình bóng Người còn đó/ Tiếng Bác ân cần ngàn năm vẫn nhớ không quên/ Cho Hà Tĩnh quê mình nổi bật lên cùng dáng hình non nước...”.
Lời Bác dặn dò đến nay vẫn còn vang vọng, trở thành động lực để cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Tĩnh nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết bên nhau hoàn thành tâm nguyện của Người, xây dựng Hà Tĩnh ngày một tươi đẹp, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Đó cũng chính là hình ảnh đã được cố nhạc sỹ Quốc Nam khắc họa trong ca khúc “Đi giữa thành phố trẻ”. Với giai điệu vui tươi, hào hùng, bài hát ẩn chứa niềm tự hào của người dân thành phố trước những đổi thay không ngừng của đô thị: “Ta đi giữa nắng mai, phố đẹp mới tương lai/ Nhà hồng tươi ngói đỏ, tầng vút cao giữa trời/ Mình cùng đi bên nhau qua bao phường phố mới/ Nụ cười em trao duyên giữa ngàn hoa sắc thắm… Qua bao lần lửa đạn, sen chịu nhiều gió sương/ Thị xã nay thành phố, đài sen càng ngát hương”.
Cũng với niềm tự hào về một Thành Sen hiện đại, phát triển không ngừng, nhạc sỹ Hoàng Thanh đã viết: “Thành Sen ơi, xuyên qua những chặng đường lửa khói/ cái đói cái nghèo lùi xa/ Xanh mây trời đồng vàng với biển bạc đồi thông reo/ Thành Sen ơi! sang trang sử mới huy hoàng...” (Thành phố mới quê tôi). Còn bác sỹ Trần Nguyên Phú lại lắng sâu trong những giá trị văn hóa bao đời: “Hà Tĩnh, thành phố ta ơi/ Ngàn năm tình người tình đất/ Hòa trong câu hát dân ca/ Thấm đẫm mồ hôi nước mắt/ À ơi lời ru của mẹ/ Đây còn lời dạy của cha/ Vươn mình đi trong bão tố/ Hà Tĩnh thành phố ta yêu...” (Hà Tĩnh - thành phố khát vọng)…
Đi lên từ trong gian khó, từ làng mà thành phố, Thành Sen đã gieo vào các nhạc sỹ nhiều cảm xúc. Để rồi trong những cảm thức đẹp đẽ, các nhạc sỹ vẽ nên một thành phố đầy lắng đọng, đầy sức sống, khiến ai ai cũng đều thêm yêu đất, mến người…