Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội có 2 cơ sở tại xã Thạch Hạ (thành phố Hà Tĩnh), xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà). Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, quản lý chăm sóc nuôi dưỡng 210 người; trong đó, có 25 người có công, 107 đối tượng xã hội và 68 lượt đối tượng tự nguyện. Hiện, Trung tâm đang quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng là 90 người gồm 8 người có công, 58 đối tượng xã hội và 24 đối tượng tự nguyện. Từ năm 2000 đến nay, Trung tâm đã tiếp đón và tổ chức phục vụ 365 đoàn điều dưỡng với 31.618 lượt đối tượng.
Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Trần Quang Trợ: Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để cải tạo nâng cấp, sửa chữa hệ thống nhà ở, các trang thiết bị phục vụ chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng.
Từ khi thành lập đến nay, Làng Trẻ mồ côi đã nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 450 đối tượng; trong đó, có 3 người cao tuổi, 308 trẻ mồ côi, 96 cháu bị bỏ rơi, 29 cháu bị tàn tật, 10 trẻ lang thang. Hiện, Làng Trẻ mồ côi đang nuôi dưỡng 62 đối tượng. Từ năm 1992 đến nay, Làng trẻ đã cho 64 trẻ hòa nhập cộng đồng, 112 cháu đi làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân trong nước, có 116 cháu đi học đại học và học nghề, 27 cháu được cho làm con nuôi trong nước, 69 cháu cho con nuôi nước ngoài.
Giám đốc Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Sơn: Cần đầu tư xây dựng 1 nhà nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, 1 nhà phục hồi chức năng và 3 nhà ở cho đối tượng mồ côi để đáp ứng nuôi dưỡng từ 200-250 đối tượng
Trong những năm qua, Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật đã đào tạo nghề cho 2.163 học viên, mức thu nhập học viên qua đào tạo từ 1,5-2,5 triệu/người/tháng. Tính đến nay, Trung tâm đã giải quyết việc làm cho 435 học viên có thu nhập ổn định...
Tính từ năm 2011 đến nay, Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi các cấp đã vận động, huy động quỹ hội được gần 57,62 tỷ đồng (gồm tiền và hiện vật). Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 25.000 đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên, có 49.556 lượt người khuyết tật và trẻ mồ côi được giúp đỡ, bảo trợ trên các lĩnh vực hoạt động...
Chủ tịch Hội bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Dương Hữu Giáo: Hiện nay, chế độ phụ cấp cho cán bộ chủ trì cấp xã chỉ mới được 15% số xã được hưởng, đây là vấn đề hết sức khó khăn trong hoạt động của hội.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các đơn vị nói trên, trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: việc xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ mồ côi, người khuyết tật, người có công; thực hiện chế độ mai táng phí cho các đối tượng; chính sách giáo dục đối với trẻ mồ côi và chính sách ưu đãi nhà giáo trong các trung tâm; những khó khăn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người có công; tính chính xác trong việc phân loại người khuyết tật tại các địa phương; kinh phí sinh hoạt, học tập, làm việc hàng tháng đối với trẻ mồ côi trong Làng trẻ; quy trình, thủ tục tiếp nhận các đối tượng vào trung tâm…
Đại biểu Trương Thị Thanh Huyền: Cần phải xem xét lại một số chế độ đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng chính sách.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải ghi nhận những kết quả đạt được của đơn vị trong thời gian qua, đồng thời đề nghị Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh, Hội bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi, Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội, Làng trẻ mồ côi tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và phục vụ các đối tượng người có công với cách mạnh, đối tượng bảo trợ xã hội.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đề nghị các đơn vị tổng hợp qua Sở LĐ-TB&XH để HĐND tỉnh sẽ có tiếp tục làm việc sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh tốt hơn.