Nguyễn Bính - thi sỹ của làng quê Việt Nam. Ảnh Internet
Những mùa xuân cũ thân thương trong ký ức sống dậy đầy nhung nhớ cùng thơ Nguyễn Bính: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/… Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay/ Hoa xoan đã nát dưới chân giày/Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ/ Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày” (Mưa xuân).
Nhà thơ Vũ Bằng cho rằng: “Tôi có thể nói rằng, sau Truyện Kiều, sau Tản Đà, có lẽ thơ Nguyễn Bính được nhiều người tìm đọc và ngâm nga nhất”. Còn nhà thơ Vũ Quần Phương đã từng đặt ra câu hỏi: “Ngay cả những người không biết chữ cũng thuộc thơ Nguyễn Bính như thuộc ca dao. Ma lực gì tạo nên sức phổ cập đó của thơ Nguyễn Bính?”.
Sức lan tỏa và “ma lực” ấy của thơ Nguyễn Bính có lẽ không chỉ là cái cảnh quê, hồn quê Nguyễn Bính đã làm sống dậy được bằng tài thơ của mình mà chính là nỗi niềm tha thiết cất lên trong đó. Dường như, câu thơ nào, bài thơ nào của Nguyễn Bính khi đọc lên cũng ray rứt bởi một nỗi thiết tha mơ hồ trong đó: Anh đi đó anh về đâu/ cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm”. Hay: “Giếng thơi mưa ngập nắng tràn/ Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều".
Hình ảnh hoa xoan, thôn nữ... là một trong những hình ảnh nổi tiếng trong thơ Nguyễn Bính. Ảnh Internet
Chỉ nói sự vật và cảnh tượng thôi đã ngập tràn nỗi nhớ nhung, buồn thương, hoang hoải trong hồn người. Nỗi niềm tha thiết ấy cụ thể là gì thì khó giải thích cắt nghĩa. Có thể là tất cả: tình yêu, nỗi nhớ thương, mối liên hệ mơ hồ, sự gắn bó thuộc về với tạo vật, cuộc sống và cảm quan nhân sinh nhạy bén v.v…
Những điều thuộc về bản năng thơ thiên bẩm của Nguyễn Bính khiến cho thơ ông luôn hiện diện một tâm thế, một tâm thức như đã nói và khiến cho thơ ông có sự “bén rễ” dễ dàng, sức sống bền lâu trong lòng người đọc.
Chính vì cái tâm thức ấy mà Nguyễn Bính có những câu thơ hay nhất về mùa xuân của làng quê đất Việt, gọi được tiếng lòng chan chứa của con người đối với quê hương xứ sở, những thứ đã thuộc về tiềm thức không dễ gì phai nhạt: Đây cả mùa xuân đã đến rồi/ Từng nhà mở cửa đón vui tươi/ Từng cô em bé so màu áo/ Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười (Thơ xuân); Từng đàn con trẻ chạy xun xoe/ Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe/ Lá nõn cành non ai tráng bạc/ Gió về từng trận gió bay đi (Xuân về); Mưa nhè nhẹ, nắng thanh thanh/ Nên thơ, ôi cả xứ mình nên thơ!/ Hội xuân gió loạn đuôi cờ/ Làng xa vào đám nhặt thưa trống chèo (Xuân về nhớ quê hương).
Làng quê với những nét mộc mạc, xưa cổ trong thơ Nguyễn Bính cũng chính là ký ức đẹp đẽ trong tâm hồn nhiều người dân Việt Nam. Ảnh Internet
Nỗi tha thiết, nhớ nhung mùa xuân ấy, qua tâm trạng của kẻ tha hương lữ thứ lại càng réo rắt, da diết, khắc khoải: “Tết này chưa chắc em về được/ Em gửi về đây một tấm lòng/ Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở/ Chị vẫn môi son vẫn má hồng?/… Chắc chị đời nào quên nhắc nhở/ - Xa nhà, rượu uống có say không?” (Xuân tha hương); “Xuân về những nhớ cùng thương/ Trời ơi! Muôn vạn dặm đường xa xôi!” (Xuân về nhớ cố hương); “Xuân đã sang rồi em có hay/ Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy/ Kinh kỳ bụi quá, xuân không đến/ Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?” (Sao chẳng về đây).
Năm tháng trôi đi cuốn theo bao thay đổi, tết và xuân với cảnh cũ sắc xưa của làng quê chỉ còn trong hoài niệm. Những vẻ đẹp thuần khiết, chân quê cũng đang nhạt dần đi cùng với sự biến đổi ào ạt của cuộc sống… nhưng tiếng lòng đó trong thơ Nguyễn Bính vẫn còn “vẹn nguyên”, như một sự “kháng cự” trước muôn vàn biến đổi, cơ hồ đang làm mất đi bao giá trị.