Theo MSN, có một sự thật đã được chứng minh rằng, trong thế giới công nghệ, thời điểm chính là yếu tố quyết định mọi thứ.
Bạn có thể có những phần mềm, thiết bị phần cứng hoặc trải nghiệm kĩ thuật số tốt nhất, nhưng nếu thị trường chưa sẵn sàng để đón nhận nó, chắc chắn bạn sẽ không thể thành công.
Thật vậy, trong lịch sử của ngành công nghệ, có rất nhiều các ví dụ về những công ty có ý tưởng đột phá, nhưng lại đem chúng lên thị trường quá sớm và cả người bán lẫn người mua đều chưa thực sự sẵn sàng.
Bạn có còn nhớ chiếc Apple Newton không? Rồi cả chiếc Tablet PC chạy Windows XP của Microsoft nữa?
Chiếc Apple Newton là ví dụ điển hình của công nghệ xuất hiện sai thời điểm.
Tuy bạn có thể cho rằng sự thất bại của những ví dụ này là do những tính năng và sự thiết thực của chúng chưa tốt, chúng hoàn toàn không phải là những ý tưởng tồi. Thực ra, ý tưởng về công nghệ trợ lý ảo của chiếc Newton đã đi trước thời đại rất xa – trước những 2 thập kỉ.
Vào thời điểm hiện tại, chúng ta sắp bước vào kỉ nguyên công nghệ mới, nơi những đột phá mới nhất đều dường như không thể nhìn thấy bằng mắt thường như các thiết bị công nghệ cao trước đây. Sự kì diệu ẩn chứa phía sau những công nghệ mới này sẽ gần như là vô hình.
Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) hay xe tự lái đều mang lại nhiều cách khác nhau để tương tác với các thiết bị và sản phẩm mà chúng ta đã biết. Trong một vài trường hợp, chúng còn dẫn đến sự hình thành của các sản phẩm mới – giống như dòng loa thông minh Echo của Amazon được trang bị trợ lí ảo kĩ thuật số Alexa – nhưng đa số các công nghệ mới đều có rất ít hoặc thậm chí không có bất kì biểu hiện nào có thể nhìn thấy được. Thay vào đó, nếu các công nghệ này hoạt động đúng như dự kiến, chúng sẽ bắt đầu "biến mất" và hòa vào thế giới thiết bị ở xung quanh chúng ta.
Trớ trêu thay, trong khi nhìn vào bề ngoài, bạn sẽ nghĩ rằng việc áp dụng các công nghệ này sẽ dễ dàng hơn vì bản chất vô hình của nó. Hoàn toàn không phải vậy. Thậm chí nó sẽ còn khó khăn hơn trước rất nhiều. Do đó, việc lựa chọn thời điểm hợp lí cho các sản phẩm và dịch vụ công nghệ sẽ mang nhiều thách thức hơn bao giờ hết.
Lấy một ví dụ đơn giản: xe tự lái. Những chiếc xe được trang bị tính năng trợ lái và tự động lái hoàn toàn trông không khác gì những chiếc xe bình thường mà chúng ta đã lái từ cách đây hàng chục năm. Nhưng, ẩn chứa bên dưới mui xe sẽ là một loạt các công nghệ mới – thứ sẽ thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của chúng ta trong việc lái xe.
Tuy xe tự lái là một thành tựu thú vị mà nhiều người mong chờ, nhưng ở thời điểm hiện tại, có không ít người đang cảm thấy sợ hãi. Những nỗi sợ hãi này là bất định, và một số nghiên cứu đã cho thấy rằng một khi chúng ta được ngồi trên xe có trang bị tính năng trợ lái và tự động lái, những mối quan tâm ấy sẽ được thay thế bằng sự say mê. Tuy nhiên, khoảng thời gian 5 đến 10 năm tới sẽ là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với các nhà sản xuất ô tô và các công ty công nghệ khi họ phải cố gắng xác định xem đâu mới là thời điểm đúng đắn để đưa xe tự lái vào thị trường.
Những công ty như Tesla liệu có tiếp tục thành công hay không?
Bên cạnh xe cộ, chúng ta cũng sẽ thấy rất nhiều phần mềm và dịch vụ sử dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện tính hữu dụng của các trải nghiệm ở thời điểm hiện tại – đưa ra các khuyến nghị tốt hơn cho âm nhạc, phim ảnh, nhà hàng và thậm chí là cả bạn bè.
Với AI, đây sẽ là một quá trình "cho-để-nhận", khi bạn càng cung cấp nhiều thông tin cá nhân thì các phản hồi nhận được sẽ càng hữu ích. Trong khi nhiều người tỏ ra hoàn toàn thoải mái với cuộc trao đổi này, có một bộ phận không nhỏ vẫn còn hoài nghi về việc áp dụng AI một cách rộng rãi vào thực tiễn.
Vấn đề lớn nhất chính là sự tin tưởng. Khi chúng ta tin tưởng một công nghệ nào đó, chúng ta sẽ sử dụng chúng nhiều hơn. Nhưng khi những công nghệ mới này đều gần như vô hình, việc giành được niềm tin ấy sẽ khó hơn rất nhiều. Ví dụ, gần như mọi người ai cũng sử dụng điện thoại thông minh vì các lợi ích của một thiết bị nho nhỏ với màn hình cảm ứng có khả năng kết nối bạn với internet và những người xung quanh đều có thể dễ dàng nhìn thấy được.
AI đang giúp chúng ta tiến tới một kỉ nguyên mới, nhưng bạn có tin nó không?
Mặt khác, đối với các dịch vụ dựa trên AI, chúng ta có thể nhận được những câu trả lời thông minh và chính xác hơn cho những câu hỏi mà chúng ta hỏi hay lệnh mà chúng ta đưa ra, nhưng chúng lại không phải là thứ gì đó hữu hình – sờ được, nhìn được, cảm nhận được. Vì vậy, sẽ tốn thêm nhiều thời gian để chúng ta cảm thấy háo hức về những lợi ích mà AI mang lại. Cộng thêm những nỗi sợ mà phim ảnh đem lại về việc máy móc vượt qua trí tuệ của con người và thống trị thế giới, bạn sẽ phần nào hiểu được sự hoài nghi (thậm chí là sợ hãi) trước những công nghệ như AI.
Cũng như xe tự lái, các mối lo ngại này không phải là không có cơ sở. Và sẽ là một sai lầm lớn nếu như các công ty công nghệ bỏ qua một vấn đề rằng không phải lúc nào con người cũng tiến bộ và phát triển nhanh như công nghệ. Đúng, có rất nhiều những thành tựu đang chờ chúng ta ngay trước mắt, nhưng trừ khi con người đã sẵn sàng để đón nhận chúng, thành công của những công nghệ này sẽ khó có thể được đảm bảo.