Hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng 1/8 (1930-2020)
Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những chặng đường phát triển vẻ vang của ngành Tuyên giáo Hà Tĩnh.
Bến đò Thượng Trụ - nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh
Cuối tháng 3/1930, được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Trung Kỳ, hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh đã được tổ chức tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) để kịp thời lãnh đạo quần chúng Nhân dân vùng dậy đấu tranh. Từ tháng 4/1930, các tổ chức Đảng cấp huyện, các chi bộ cộng sản liên tiếp ra đời và đã bắt đầu sử dụng hình thức tuyên truyền, cổ động để thức tỉnh quần chúng. Truyền đơn, biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm xuất hiện ở nhiều nơi, thúc đẩy phong trào cách mạng dấy lên mạnh mẽ, mà đỉnh cao là cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Thời kỳ 1930-1931, hoạt động tuyên truyền chủ yếu tập trung vào kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1/5), Ngày Chống chiến tranh đế quốc (1/8)… Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy, các địa phương đã có nhiều hình thức kỷ niệm: bí mật treo cờ, rải truyền đơn, diễn thuyết. Đây là lần đầu tiên quần chúng Hà Tĩnh được biết và được kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động bất chấp sự cấm đoán của kẻ thù. Đặc biệt, báo “Bước tới” - cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ số đầu đã được phát hành. Bên cạnh đó, Huyện ủy Can Lộc ra báo “Tự cứu”, Thạch Hà: “Tiếng gọi”, Đức Thọ: “Cổ động”, Cẩm Xuyên: “Bước tới”... Nội dung các tờ báo của Đảng bộ đã định hướng tư tưởng, đưa tin về các phong trào đấu tranh và thông báo các chủ trương của Tỉnh ủy, có khi đăng cả thơ ca cách mạng.
Tuy hoạt động trong điều kiện bí mật và khó khăn, nhưng công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng bộ thời kỳ cách mạng 1930-1931 được tiến hành khá toàn diện, phong phú, góp phần to lớn trong việc giác ngộ, tổ chức một bộ phận lớn quần chúng đi theo. Mỗi cán bộ cấp ủy và đảng viên đều làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.
Cao trào Xô - Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu
Ban tuyên truyền tại Đảng bộ Hà Tĩnh có mốc ra đời sớm hơn so với cả nước. Theo Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, sau khi thành lập Đảng bộ lâm thời (cuối tháng 3/1930), Ban Tuyên truyền huấn luyện của Tỉnh ủy bắt đầu đi vào hoạt động và mốc đánh dấu sự ra đời của Ban Tuyên truyền bằng việc ra số đầu tiên vào ngày 1/5/1930 của báo Bước tới - cơ quan tuyên truyền của Tỉnh ủy.
Thời kỳ 1935-1936 ở Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền cách mạng diễn ra ở nhiều nơi, nhất là việc in ấn và rải truyền đơn. Nội dung truyền đơn là ca ngợi tinh thần đấu tranh của Nhân dân thời kỳ 1930-1931 và kêu gọi quần chúng tiếp tục đấu tranh.
Tháng 4/1938, Đại hội Đảng bộ tỉnh được triệu tập ở làng Đan Chế (xã Thạch Long, Thạch Hà), đánh dấu việc khôi phục Đảng bộ và Ban Tuyên truyền huấn luyện của Đảng bộ. Công tác tuyên truyền giáo dục của Đảng bước vào một giai đoạn mới.
Tháng 6/1939, Đại hội Đảng bộ tỉnh được tổ chức và đã có một số quyết định cụ thể về công tác tuyên truyền huấn luyện, về cơ quan in, cơ quan huấn luyện… Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, nhiều hình thức tuyên truyền được tổ chức qua các hội phường quần chúng như: phường cấy, phường gặt, phường lợp nhà, nông đoàn (của hội nông dân), các cuộc mít tinh sách báo; phong trào ca hát, văn nghệ được dấy lên, nhiều gánh hát được tổ chức. Các vở tuồng, chèo có nội dung tiến bộ được dàn dựng và biểu diễn, có tác dụng khích lệ, khơi dậy tinh thần yêu nước của Nhân dân. Phong trào truyền bá chữ quốc ngữ phát triển ở nhiều nơi, thu hút nhiều người, nhiều tổ chức xã hội tham gia…
Sau khi Mặt trận cứu quốc được thành lập (tháng 5/1941), công tác tuyên truyền chuẩn bị giành chính quyền được xúc tiến. Một cơ quan ấn loát bắt đầu được thành lập ở Trại Hồng (Can Lộc) để in tài liệu tuyên truyền; các đảng viên tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng cơ sở.
Khi Nhật đảo chính Pháp, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Lúc bấy giờ, một số học sinh đã bắt liên lạc với Việt Minh ở Hà Nội trở về mang theo nhiều tài liệu tuyên truyền như báo “Cờ giải phóng”, chương trình, điều lệ, tuyên ngôn của Việt Minh...
Bấy giờ, nạn đói ở Hà Tĩnh và nhiều tỉnh miền Bắc diễn ra trầm trọng. Phong trào chống đói được dấy lên. Đảng đã giác ngộ thêm cho quần chúng tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, giúp nhau khi khó khăn và điều quan trọng hơn là tập hợp được lực lượng quần chúng, tập dượt họ để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành chính quyền sau này. Trong bối cảnh đó, hoạt động của tổ chức Tân Dân Đoàn từ Vinh vào Hà Tĩnh, tổ chức này đi ngược lại lợi ích của quần chúng, lại được Đảng tuyên truyền giải thích nên các chính trị phạm đã sớm chuyển sang hoạt động trong Mặt trận Việt Minh. Tổ chức Tân Việt Nam ở Huế, sau nhiều lần gửi thư, tài liệu ra bắt liên lạc để gây cơ sở nhưng không thành, sau đã gửi cán bộ ra nhưng bị cán bộ Việt Minh ngăn chặn lại không cho họ tuyên truyền nên cũng không gây được ảnh hưởng ở Hà Tĩnh. Việc ngăn chặn hoạt động của 2 tổ chức Tân Dân Đoàn và Tân Việt Nam ở Hà Tĩnh là một thành công bước đầu trong công tác tuyên truyền của Đảng bộ.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu.
Tháng 5/1945, Ban Vận động thành lập Việt Minh liên tỉnh ra đời. Bằng các hình thức để lôi kéo quần chúng đi theo Mặt trận Việt Minh, tách quần chúng ra khỏi các tổ chức thân Nhật hoặc có xu hướng thân Nhật, chống lại độc lập giả hiệu của Nhật là một thành công lớn của những người cách mạng ở Hà Tĩnh trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 8/1945, Đại hội Việt Minh liên tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh họp. Công tác chuẩn bị cho khởi nghĩa được xúc tiến khẩn trương. Các địa phương đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền để kêu gọi quần chúng khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng. Truyền đơn kêu gọi quần chúng đã được rải khắp nơi; các cuộc mít tinh, diễn thuyết, biểu tình tuần hành vũ trang được tổ chức, thu hút hàng vạn người tham gia. Băng cờ khẩu hiệu được treo khắp các nơi; nhiều làng đã tổ chức đánh trống gõ mõ suốt ngày đêm. Quần chúng hăng hái phấn khởi, khí thế cách mạng dâng cao.
Mít tinh tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội 19/8/1945
Hưởng ứng lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa, Nhân dân các địa phương đã vùng dậy với một khí thế chưa từng có. Trong niềm vui chung của một nước Việt Nam độc lập, tự do vừa được khai sinh, Nhân dân Hà Tĩnh tự hào rằng, “Trong Cuộc cách mạng tháng Tám 1945, Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh về đích đầu tiên trong cuộc thiết lập chính quyền cách mạng trên khắp đất nước ta”.
Từ 1930-1945, công tác tuyên giáo của Đảng bộ Hà Tĩnh đã tiến hành bền bỉ và sáng tạo lúc bất hợp pháp, lúc hợp pháp, lúc bí mật, lúc công khai đã mang đến cho đảng viên và quần chúng những tư tưởng, chủ trương của Đảng, giác ngộ họ tự nguyện đứng dưới lá cờ Đảng đấu tranh chống áp bức, bóc lột, làm cách mạng dân tộc, dân chủ, đưa cách mạng đến thành công, chính quyền về tay Nhân dân tháng 8/1945.
Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
(Còn nữa)