COVID-19 hạ nhiệt ở phương Tây, nóng lên tại Đông Á

Châu Âu và Mỹ nới lỏng một loạt hạn chế Covid-19 khi tình hình dịch giảm nhiệt, trong khi tại Đông Á, Hong Kong thành điểm nóng và đang siết chặt các quy tắc.

Toàn cầu hiện ghi nhận gần 441 triệu ca Covid-19, trong đó gần 6 triệu người chết.

Tại châu Âu, số ca nhiễm mới mỗi ngày đã giảm hơn một nửa trong tháng qua, từ khoảng 1,7 triệu ca vào cuối tháng một, xuống còn khoảng 730.000 ca vào ngày 25/2, theo Reuters.

Trong ba tuần qua, số ca nhiễm đã giảm ở hầu hết các quốc gia lớn của châu Âu, ngoại trừ Iceland, nơi các ca bệnh đang tăng.

Châu Âu đến nay ghi nhận tổng cộng trên 157 triệu ca nhiễm và hơn 1,7 triệu ca tử vong, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers ngày 3/3. Tuy nhiên, số ca nhiễm vẫn ở mức cao so với các châu lục khác, chiếm khoảng 40% toàn thế giới.

Nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và ca nhiễm chủng Omicron có xu hướng ít chuyển biến nghiêm trọng hơn, hàng loạt quốc gia đang loại bỏ những quy tắc được coi là không còn hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch.

COVID-19 hạ nhiệt ở phương Tây, nóng lên tại Đông Á

Người dân đeo khẩu trang đi bộ trên phố Oxford ở thủ đô London, Anh, hồi cuối tháng một. Ảnh: Reuters.

Trước khi số ca nhiễm đạt đỉnh ở châu Âu hồi cuối tháng một, Anh và Thụy Sĩ đã thông báo họ sẽ loại bỏ điều kiện xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành đối với khách đã tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu khác rút ngắn thời gian cách ly và nới hạn chế đi lại theo cấp độ dịch.

Hội đồng Liên minh châu Âu ngày 25/1 khuyến nghị các quốc gia thành viên áp dụng “phương pháp tiếp cận dựa trên từng cá thể” thay vì dựa trên từng quốc gia như trước đây, cho phép đi lại tự do đối với những người có chứng nhận Covid-19 kỹ thuật số của EU, gồm bằng chứng tiêm chủng vaccine được EU phê duyệt, xét nghiệm âm tính gần đây hoặc đã hồi phục sau nhiễm.

Ngày 22/2, Hội đồng khuyến nghị các quốc gia thành viên mở cửa rộng rãi hơn đối với du khách từ bên ngoài EU với điều kiện họ đã được tiêm phòng hoặc mới bình phục gần đây. Tuy nhiên, khuyến nghị không đồng ý để du khách chỉ có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính nhập cảnh mà không có chứng nhận tiêm vaccine.

Theo Cyrille Cohen, lãnh đạo phòng thí nghiệm liệu pháp miễn dịch tại Đại học Bar-Ilan, Israel, quy định về vaccine là cần thiết, đặc biệt với những nước có hệ thống bệnh viện đang căng thẳng, vì người không tiêm chủng có nguy cơ trở nặng cao hơn. “Vaccine vẫn ngăn ngừa bệnh trở nặng rất hiệu quả”, ông nói.

Tuy nhiên, khác với khuyến nghị của EU, nhiều quốc gia châu Âu đã nới lỏng hạn chế nhiều hơn. Pháp, Phần Lan và Litva đã bỏ một số yêu cầu xét nghiệm bắt buộc.

Một số nước, như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Croatia và Đan Mạch, còn nới lỏng yêu cầu về tiêm chủng, dù chỉ giới hạn cho du khách đến từ châu Âu hoặc khối Schengen, những người có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc mới bình phục gần đây.

Iceland và Na Uy tháng trước đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19, đồng nghĩa du khách không cần thực hiện các xét nghiệm hay tiêm chủng để nhập cảnh, dù một số quy tắc vẫn được áp dụng ở quần đảo Svalbard của Na Uy. Giống Đan Mạch, cả hai nước đều đang loại bỏ các quy định ở trong nước, như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và giới hạn người tham dự các sự kiện.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 2/3 cảnh báo chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có thể khiến Covid-19 lây lan mạnh hơn do dòng người tị nạn từ Ukraine đang tới các nước láng giềng, kéo theo nguy cơ gia tăng số ca bệnh nặng.

COVID-19 hạ nhiệt ở phương Tây, nóng lên tại Đông Á

Bên trong một cửa hàng thuốc ở thành phố New York, Mỹ, ngày 6/2. Ảnh: AP.

Tại Mỹ, tỷ lệ nhiễm Covid-19 tiếp tục giảm mạnh trong hai tuần qua với mức trung bình 7 ngày giảm xuống khoảng 59.000 ca mỗi ngày.

Tín hiệu tích cực này đã thúc đẩy Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nới lỏng quy định về đeo khẩu trang. Yêu cầu đeo khẩu trang giờ đây chỉ còn áp dụng cho chưa đầy 1/3 dân số.

Trên cả nước, Mỹ báo cáo trung bình khoảng 18 ca nhiễm trên 100.000 người trong hai tuần qua.

Nơi có tỷ lệ nhiễm thấp nhất là Nebraska với 6/100.000 người, tiếp sau là Delaware và Maryland với 9/100.000. Montana và Alaska là nơi có tỷ lệ nhiễm cao nhất, lần lượt ở mức 49/100.000 và 47/100.000.

Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên toàn quốc giảm 18% so với mức trung bình trong 7 ngày là hơn 2.300 người mỗi ngày.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua công bố kế hoạch mới nhằm đối phó Covid-19, trong đó cung cấp thêm hỗ trợ để các trường học, doanh nghiệp duy trì mở cửa giữa đại dịch, đối phó và ngăn ngừa các biến chủng virus mới, cũng như giúp người Mỹ tiếp cận dễ dàng hơn với các loại thuốc có thể ngăn Covid-19 diễn tiến nặng.

Điều phối viên của Nhà Trắng cho rằng Mỹ đã đạt được những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống Covid-19 từ khi ông Biden nhậm chức, song cần nỗ lực nhiều hơn để chuẩn bị đối phó với bất cứ biến chủng lẫn đợt bùng phát nào trong tương lai.

COVID-19 hạ nhiệt ở phương Tây, nóng lên tại Đông Á

Bệnh nhân chờ đợi tại khu điều trị tạm bên ngoài Trung tâm Y tế Caritas ở Hong Kong ngày 26/2. Ảnh: AP.

Tại Đông Á, Hong Kong đang nổi lên trở thành điểm nóng Covid-19 ở khu vực. Các chuyên gia y tế thuộc Đại học Hong Kong ước tính đến 28/2, khoảng 1,7 triệu người trong thành phố đã mắc Covid-19. Dự kiến trong tuần tới, Hong Kong có thể ghi nhận cao nhất là khoảng 183.000 ca nhiễm mỗi ngày. Chỉ trong tuần qua, thành phố báo cáo khoảng 700 ca tử vong, phần lớn là người chưa tiêm phòng.

Ca nhiễm gia tăng trong bối cảnh chính quyền Hong Kong kiên quyết bám trụ chiến lược “Không Covid” giống Trung Quốc đại lục, với mục tiêu kiểm soát tất cả các đợt bùng phát bằng bất cứ giá nào.

Các bệnh viện và nhà xác công ở Hong Kong đang hoạt động với công suất tối đa, khi số người tử vong vì Covid-19 được ghi nhận cao kỷ lục.

Albert Au, quan chức cấp cao Cơ quan Y tế đặc khu, nói với Financial Times rằng phần lớn trong 1.350 chỗ tại ba nhà xác công của thành phố đã chật kín. Hệ thống phòng cấp cứu cũng phải chịu áp lực lớn, bệnh nhân thường phải khám ở các khu vực không có che chắn trước khi được chuyển vào điều trị.

Hong Kong có lượng lớn người cao tuổi chưa tiêm vaccine, dù gần đây số mũi tiêm tăng lên. Nhiều người chưa tiêm do lo sợ tác dụng phụ và có tinh thần chủ quan sau thành công của thành phố trong nỗ lực kiểm soát virus năm ngoái.

Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với sóng Covid-19 gia tăng. Nước này hôm qua ghi nhận 198.803 ca nhiễm mới, một ngày sau khi chạm mức kỷ lục 219.241 ca. Số ca tử vong hàng ngày cũng tăng lên mức kỷ lục 128 trường hợp, nâng tổng số người chết lên 8.394. Các ca bệnh diễn tiến nặng tăng lên 766, so với khoảng 300 hồi tuần trước.

Nhật Bản hôm nay cho biết sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm cho phép nhiều người nhập cảnh hơn, đặc biệt là sinh viên, song vẫn siết chặt quy định ở một số khu vực, trong đó có Tokyo.

Ca nhiễm ở Nhật đã bắt đầu giảm song vẫn giữ ở mức tương đối cao. Nhật Bản ngày 2/3 báo cáo hơn 72.600 ca nhiễm mới. Các bệnh viện của nước này hiện vẫn trong tình trạng căng thẳng do phải chiến đấu với biến chủng Omicron.

Tháng hai là tháng chết chóc nhất từ khi dịch bùng phát tại Nhật Bản, với 4.856 ca tử vong . Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết chính quyền trung ương đã nhận được yêu cầu từ 5 tỉnh nhằm gia hạn các biện pháp kiểm soát lây nhiễm sẽ hết hiệu lực vào ngày 6/3.

Tại Đông Nam Á, Indonesia, quốc gia đông dân nhất khu vực, dự báo số ca Covid-19 mới hàng ngày của nước này sẽ giảm xuống dưới 5.000 vào tháng 4 vì 2/3 trong 34 tỉnh đang báo cáo số ca nhiễm giảm mạnh.

Biểu đồ do Bộ Y tế công bố hôm 2/3 cho thấy sóng Omicron đã đạt đỉnh với 64.718 ca một ngày được ghi nhận vào tuần trước, sau đó liên tục giảm. Số ca mới được ghi nhận hôm qua, khoảng một tuần sau khi đạt đỉnh là 40.920.

Indonesia có kế hoạch cho phép du lịch miễn cách ly tới đảo Bali bắt đầu từ 14/3, hoặc sớm hơn với điều kiện du khách phải tiêm phòng đầy đủ, xét nghiệm Covid-19 khi đến nơi và thực hiện lại một lần nữa vào ngày thứ ba của kỳ nghỉ.

Tỷ lệ tăng lây nhiễm Covid-19 hàng tuần của Singapore đã giảm xuống 0,98 vào ngày 2/3, lần đầu tiên giảm xuống dưới một kể từ hồi tháng một, theo Bộ Y tế.

Tỷ lệ này được tính toán dựa trên số ca nhiễm cộng đồng ở Singapore trong tuần qua so với tuần trước đó. Tỷ lệ lớn hơn một cho thấy số ca Covid-19 mới hàng tuần tăng lên.

Theo Vũ Hoàng/VNE

Đọc thêm

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.