Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Xuyên lấy lời khai đối tượng T.
Học đến lớp 11, T. bỏ học “đi làm ăn”. Sau 1 năm phụ giúp bán hàng thời trang cho một shop ở thành phố Hà Tĩnh, có chút vốn liếng, T. quyết định “ra riêng”, mở một gian hàng “lưu động” ở thị trấn Cẩm Xuyên để “kinh doanh” quần, áo, giày, dép. Nhằm tăng "doanh số”, T. thường xuyên lên facebook, sử dụng nick name "Minh Anh" để quảng cáo. Một số người chơi facebook biết đến, đặt mua vài món hàng khiến cho T. càng tin tưởng vào tính hiệu quả của kinh doanh qua mạng.
Thế nhưng, thời gian sau đó, nhiều lần T. chuyển tiền đặt hàng cho người bán theo yêu cầu của khách thì “một đi không trở lại”, các nick name bán hàng đều bặt vô âm tín. Liên tiếp bị lừa đến “cụt vốn”, T học được bài học kinh doanh "ảo” và lập 2 tài khoản facebook để “chăn dắt” các “con mồi”.
Cuối tháng 3, T. sử dụng tài khỏa facebook có tên là “Minh Anh” truy cập vào một trang mua bán, trao đổi hàng hóa trên mạng xã hội. Từ đó, thị làm quen được với chị Nguyễn Thị Minh Tr. (trú tại huyện Cư M”gar, tỉnh Đắk Lắk) có nick name “Trần Truyền”. Biết chị Tr. cũng có nhu cầu mua bán qua mạng, T. giới thiệu mình chuyên kinh doanh giày dép, quần áo, túi xách qua mạng với giá sỉ (giá xuất xưởng) 50.000 đồng/sản phẩm và đề nghị chị Tr. cùng tham gia. Chị Tr. đồng ý, dùng hình ảnh hàng hóa của T. đăng trên trang cá nhân để rao bán.
Ngay sau đó, T. trong vai “một khách hàng tiềm năng” với nick name “Thảo Bồng” đã liên hệ với Facebook của chị Tr. để đặt mua 2.000 chiếc túi xách với giá thỏa thuận là 95.000 đồng/chiếc.
Tưởng rằng “trúng quả”, chị Tr. liên hệ với T. qua nick name “Minh Anh” để đặt hàng. T. liền thông tin có hàng, yêu cầu chị Tr. đặt cọc trước qua tài khoản ngân hàng (T. mượn của người khác – P.V). Sau đó, chị Tr. yêu cầu “Thảo Bồng” chuyển 70 triệu tiền cọc vào tài khoản của T.
Nhằm tạo niềm tin cho chị Tr., “Thảo Bồng” thông báo “đã chuyển tiền” cho T. và đặt mua thêm gần 1.000 sản phẩm khác. “Minh Anh” xác nhận “đã nhận tiền” khiến chị Tr. càng thêm tin tưởng và đặt mua theo “đơn đặt hàng” của “Thảo Bồng”.
Tương tự lần trước, sau mỗi đơn đặt hàng, việc chuyển tiền cọc “ảo” vẫn được T. xác nhận với chị Tr. Biết “cá đã cắn câu”, mấy ngày sau “Thảo Bồng” đặt mua chị Tr. 600 chiếc túi xách, đặt cọc trước 16 triệu qua tài khoản của “Minh Anh” và hứa sẽ trả hết tiền nợ trước đó cho chị Tr.
“Minh Anh” xác nhận đã nhận tiền cọc, yêu cầu chị Tr. thanh toán hết số tiền đặt mua mấy hôm nay (hơn 70 triệu đồng, đã trừ tiền đặt cọc) để “chốt sổ” và “chuyển hàng”. Tin tưởng sẽ nhận được tiền từ “Thảo Bồng” với khoản lời lãi khá lớn, chị Tr. đã chuyển 70,5 triệu đồng vào các số tài khoản của T.
Sau khi nhận được tiền của chị Tr., T. cắt đứt liên lạc, đổi tên Facebook để chuẩn bị cho một chuyến “săn mồi” mới.
Chờ mãi không nhận được hàng, không liên hệ được với cả bên mua và bên bán, biết mình bị lừa, chị Tr. đã làm đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng. Nhận ủy thác của Công an huyện CưM”gar tỉnh Đắk Lắk, Công an huyện Cẩm Xuyên đã tung trinh sát vào cuộc.
Sau một thời gian khá dài lần tìm “tung tích” của Facebook Minh Anh, Thảo Bồng, lần theo số tài khoản ngân hàng, mạng điện thoại và các mối quan hệ xã hội khác, chân dung T. dần được vẽ lên. Và khi đã đầy đủ chứng cứ, ngày 25/7/2017, Công an huyện Cẩm Xuyên đã triệu tập T. lên đối chất, lấy lời khai.
Tại cơ quan điều tra, T. khai nhận hành vi lừa đảo của mình đối với chị Tr. Đồng thời, khai nhận thêm, trước đó cũng với thủ đoạn tương tự đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng của một người phụ nữ ở thành phố Hồ Chí Minh.
Từ vụ án trên cho thấy, thủ đoạn lừa đảo khi bán hàng qua mạng đã, đang diễn ra khá phức tạp. Lợi dụng lòng tham của một số người, kẻ lừa đảo đã lập nên các tài khoản Facebook ảo để chiếm đoạt tài sản.
Đã đến lúc, pháp luật cần có các chế tài cụ thể hơn để quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội và các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn đối với loại tội phạm mới này.