Chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trong điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, sáng 1/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến tới 234 điểm cầu trên toàn tỉnh. Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì hội nghị. |
Tại điểm cầu của tỉnh có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn; các vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh cùng dự.
Ở các điểm cầu cấp huyện, xã có: Thường trực huyện ủy, thành ủy, thị ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã; trưởng các đoàn thể, các phòng, ban, ngành, đoàn thể liên quan; Thường trực Đảng ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, một số ban, ngành, đoàn thể các xã, phường, thị trấn và một số cử tri tại các thôn, xóm, tổ dân phố tham dự.
Kỳ họp thứ 2 khai mạc vào ngày 20/10
Đại biểu tại các điểm cầu đã nghe Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia báo cáo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh sau kỳ họp thứ nhất đến nay.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia báo cáo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 2
Theo đó, từ sau Kỳ họp thứ nhất, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động xây dựng ban hành quy chế hoạt động nhiệm kỳ 2021 - 2026; tuyên truyền kết quả kỳ họp; tiếp nhận 19 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, chuyển 3 đơn, tổ chức giám sát việc giải quyết 1 đơn; phối hợp Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh đôn đốc tiến độ triển khai hoàn thành hỗ trợ xây dựng 8 nhà tránh trú bão lũ trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị ĐBQH đang tập trung dành thời gian nghiên cứu, góp ý kiến về dự kiến chương trình, các nội dung Kỳ họp thứ 2; tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến; tổ chức một số cuộc làm việc, hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề gắn với lấy ý kiến góp ý xây dựng pháp luật...
Dự kiến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2021, bế mạc vào ngày 13/11/2021 và tiến hành theo 2 đợt, gồm: Đợt 1, họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến ngày 3/11; đợt 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 8/11 đến ngày 13/11.
Các chỉ số KT-XH quan trọng của Hà Tĩnh tăng trưởng khá
Báo cáo tóm tắt tình hình phát triển KT-XH 9 tháng năm 2021 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn trình bày tại hội nghị cho thấy: Dù triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng Hà Tĩnh vẫn đạt nhiều kết quả khả quan trong phát triển KT-XH.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo tóm tắt tình hình phát triển KT-XH 9 tháng đầu năm.
Sản xuất lúa đạt cao về năng suất và sản lượng, tăng khá so với năm trước; diện tích gieo cấy đạt 104.923 ha; năng suất bình quân đạt 55,2 tạ/ha, tăng 7,4%; sản lượng đạt 57,9 vạn tấn, tăng 8,5%. Dịch viêm da nổi cục trên trâu bò cơ bản được kiểm soát; đã và đang quyết liệt triển khai khống chế dịch tả lợn châu Phi.
Các huyện Vũ Quang, Cẩm Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Doanh thu bán lẻ ước đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng, tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 11.610 tỷ đồng, bằng 95% dự toán cả năm. Giải ngân vốn đầu tư công do địa phương quản lý ước đến 30/9 đạt 6.831 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch năm 2021.
Trong tăng trưởng chung của ngành công nghiệp Hà Tĩnh có sự đóng góp lớn từ hoạt động sản xuất thép của Formosa Hà Tĩnh.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, đào tạo nghề, giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực; công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống Nhân dân cơ bản ổn định; công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai quyết liệt; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững…
Cử tri đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm
Sau khi nghe dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và báo cáo tóm tắt tình hình phát triển KT-XH của tỉnh, đông đảo cử tri Hà Tĩnh đã bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển của tỉnh nhà dù còn chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các vị ĐBQH trong việc tập trung nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu và lắng nghe ý kiến chính đáng từ cử tri để gửi đến Quốc hội.
Cử tri Đường Công Lự - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh: "Dù Hà Tĩnh đã thực hiện tốt các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19 nhưng hiện nay, dịch bệnh trên cả nước đang diễn biến phức tạp nên người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan".
Tại hội nghị, cử tri cũng đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể: Về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cử tri đề nghị cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản như: bưởi Phúc Trạch và cam các loại; nghiên cứu có định hướng phát triển cây dó trầm (xã Phúc Trạch, Hương Khê).
Nghiên cứu sản xuất vaccine trị viêm da nổi cục trên trâu bò. Đánh giá lại hiệu quả về kinh tế, tác động tiêu cực về môi trường trong sử dụng đất phát triển cây cao su. Có phương án sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân vùng bị ảnh hưởng bởi dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu xã Phúc Trạch (Hương Khê).
Về xây dựng nông thôn mới, cử tri đề nghị quan tâm việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân; sớm phân bổ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới năm 2021 cho các địa phương.
Tăng định mức hỗ trợ kinh phí cho huyện miền núi trong đầu tư cũng như thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Cử tri Nguyễn Sỹ Sâm (tổ trưởng tổ dân phố 7, thị trấn Thạch Hà) đề nghị Nhà nước cần có chính sách kêu gọi đầu tư ở các địa phương còn khó khăn nhằm giải quyết việc làm cho người lao động.
Về giao thông, xây dựng, cử tri đề nghị bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 281 (đoạn qua huyện Vũ Quang), kè biển Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên); tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực bất động sản.
Đề nghị Chính phủ có chương trình đầu tư dài hạn các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các địa phương di dời dân vùng thường xuyên bị ngập lụt; hỗ trợ kinh phí xây dựng bản đồ ngập lụt đối với các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ, lụt.
Cử tri các địa phương phát biểu ý kiến tại hội nghị (ảnh chụp màn hình trực tuyến).
Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng phòng họp trực tuyến đến cấp xã để thuận tiện trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Cử tri đánh giá cao các giải pháp đã thực hiện của tỉnh để kiểm soát dịch COVID-19; việc đưa con em tỉnh nhà làm ăn xa về quê hương. Đồng thời đề nghị tiếp tục hỗ trợ vaccine để tăng tỷ lệ tiêm chủng cho người dân; có chính sách cho tổ giám sát và tuyên truyền phòng chống COVID-19 tại cộng đồng...
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Xem xét điều chỉnh các quy định của Luật Đất đai 2013 không còn phù hợp; điều chỉnh Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học phù hợp với tình hình thực tiễn từng vùng miền, địa phương, tránh lãng phí.
Hội nghị cũng đã nhận được 29 ý kiến phát biểu của cử tri các địa phương gửi đến.
Cử tri cần thẳng thắn phản ánh thực trạng ở cơ sở
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao những ý kiến, đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm của cử tri tỉnh nhà. Các kiến nghị, phản ánh sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp và chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời giải quyết.
Ngoài ra, đồng chí Hoàng Trung Dũng thông tin thêm về một số kết quả phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Tĩnh; tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN thời gian qua.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng đánh giá cao những ý kiến, đóng góp tâm huyết, đầy trách nhiệm của cử tri tỉnh nhà.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng mong muốn, cử tri tỉnh nhà cần thẳng thắn phản ánh thực trạng ở địa phương. Đó là cơ sở để đội ngũ cán bộ nắm bắt, lắng nghe các nguyện vọng chính đáng của Nhân dân nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, để Nhân dân được thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới. Đồng thời, giúp cho đội ngũ cán bộ có môi trường làm việc tốt hơn, coi trọng kỷ luật kỷ cương. Từ đó, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh NTM, phấn đấu đến 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước.
Trong xây dựng NTM và đô thị văn minh, cần chú trọng phát huy truyền thống, phẩm chất, văn hoá của con người Hà Tĩnh.
Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch COVID-19; không được phép lơ là, chủ quan. Trên cơ sở nguyên tắc chung của Chính phủ, Bộ Y tế và của tỉnh; tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng địa phương để đưa ra giải pháp phù hợp.
Tổ chức việc học tập cho học sinh chặt chẽ, linh hoạt, an toàn tuyệt đối; quan tâm đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên học sinh nghèo học giỏi để có sức lan tỏa; tiếp tục đồng hành cùng Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học...
“Mục đích cuối cùng là trên địa bàn không có dịch COVID-19, người dân được bảo vệ sức khỏe và nếu xuất hiện F0, phải sớm có phương pháp điều trị. Đồng thời, hết sức linh hoạt trong việc đưa ra các giải pháp; phát huy vai trò của công an xã trong công tác nắm di biến động của người dân trên địa bàn; phát huy vai trò của tổ giám sát và tuyên truyền phòng chống COVID-19 tại cộng đồng...” - đồng chí Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.