Lễ kỷ niệm chính diễn ra tại Quảng trường trung tâm và khu di tích mang tên “Che” và cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của ông, tại thành phố Santa Clara. Ảnh: Vũ Lê Hà (P/v TTXVN tại Cu Ba) |
Tại Cuba, các hoạt động kỷ niệm rất phong phú này bao gồm từ míttinh chính trị, hội thảo chuyên đề, lao động tình nguyện, tăng gia sản xuất cho tới hòa nhạc đồng thời tại tất cả các tỉnh thành, gala văn hóa, xuất bản sách, ấn phẩm đặc biệt, giới thiệu tác phẩm tạo hình, ghi âm mới tôn vinh “Che”, hay các cuộc tuần hành, các chuyến hành hương qua những nơi có dấu chân của “Người du kích anh hùng”.
Lễ tưởng niệm chính diễn ra ngày 8/10 tại thành phố miền Trung Santa Clara, thành phố được ông dẫn cánh quân cách mạng giải phóng năm 1958 và hiện nay còn được biết đến với tên gọi “Thành phố của Che” do có tượng đài Che tại Quảng trường Trung tâm và khu di tích mang tên ông và là nơi an nghỉ cuối cùng của ông cùng 35 đồng đội hy sinh tại La Higuera, Bolivia.
Hơn 60.000 người dân cùng đại diện của tất cả các tổ chức chính trị, xã hội và kinh tế của tỉnh Villa Clara, cùng đông đảo khách mời trong nước và quốc tế đã tham dự buổi mít-tinh. Ảnh: Vũ Lê Hà (P/v TTXVN tại Cu Ba) |
Dưới sự chủ trì của Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Raú Castro Rúz - người đồng chí và bạn chiến đấu của “Che”, hoạt động thu hút sự tham gia của hơn 60.000 người dân cùng đại diện của tất cả các tổ chức chính trị, xã hội và kinh tế của tỉnh Villa Clara, cùng đông đảo khách mời trong nước và quốc tế. Đoàn đại biểu của Việt Nam tới tham dự lễ kỷ niệm này do đồng chi Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam dẫn đầu.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez khẳng định: “Che không chết như những kẻ sát hại ông mong muốn. Hình tượng của ông lớn lên theo thời gian khi các thế hệ mới của Cuba, trưởng thành dưới dấu ấn và di sản của ông đã khám phá, thừa nhận và tiếp nối con đường cách mạng, đã thực hiện lời kêu gọi của ông về cống hiến cho học tập, lao động và hoàn thành nghĩa vụ của mình. Khuôn mẫu con người vị tha của ông đã trở thành lý tưởng để noi theo”.
Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez đọc diễn văn kỷ niệm. Ảnh: Vũ Lê Hà (P/v TTXVN tại Cu Ba) |
Sau khi nhắc nhở rằng đây là lễ kỷ niệm ngày mất đầu tiên của “Che” không có sự hiện diện của lãnh tụ cách mạng Fidel Castro, người đã ra đi tháng 11/2016 ở tuổi 90, Phó Chủ tịch Díaz-Canel nhấn mạnh: “Fidel và Che luôn hiện hữu vì khi chia sẻ những ý tưởng, tri thức sâu sắc về những khổ đau của thế giới, tinh thần quật khởi chống đế quốc và chủ nghĩa Mỹ Latinh, cả hai đã trở thành những hình mẫu sừng sững và không thể khuất phục của những trận chiến vì chủ quyền và hòa bình của tất cả các dân tộc trên thế giới, vì sự bình đẳng giữa con người với con người, vì công bằng xã hội, và vì sự giải phóng con người thực sự và vì chủ nghĩa xã hội”.
Thế hệ trẻ Cuba tiếp tục giương cao hình ảnh của “Che” Guevara. Ảnh: Vũ Lê Hà (P/v TTXVN tại Cu Ba) |
Là một chiến sĩ cách mạng theo tinh thần chủ nghĩa quốc tế, “Che” Guevara đã từ bỏ một cuộc sống tiện nghi, rong ruổi nhiều quốc gia Mỹ Latinh từ khi còn rất trẻ để thấu hiểu những bất công, áp bức, nghèo đói mà nhân dân lao động phải gánh chịu và vun đắp lý tưởng cách mạng của mình.
Sau đó, ông đã tham gia cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng tại Cuba và trở thành một trong những nhà lãnh đạo của chính quyền cách mạng tại đảo quốc Caribê này. Tiếp đó, ông chỉ huy một mặt trận tại Congo và tổ chức một đội quân du kích nhỏ gọn tại Bolivia trong các năm 1966, 1967. Trong 11 tháng tại quốc gia Nam Mỹ này, ông đã sống và chiến đấu trong những điều kiện khổ cực nhất, bị thương, bị bắt và bị sát hại theo lệnh của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Nửa thế kỷ sau khi đã ra đi, “Che” Guevara vẫn luôn hiện hữu trong lòng nhân dân Cuba. Ảnh: Vũ Lê Hà (P/v TTXVN tại Cu Ba) |
Ra đi khi ở tuổi đời 39, nhưng “Che” Guevara để lại một di sản cách mạng đồ sộ mà ít có nhân vật chính trị nào có được trong lịch sử thế giới cận đại, đồng thời đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về tinh thần cách mạng cao thượng và quả cảm, xả thân bảo vệ công lý và những người chịu thiệt thòi trên thế giới, sẵn sàng chấp nhận gian khổ để theo đuổi và bảo vệ hoài bão, lý tưởng của mình.
Tại Mỹ Latinh, tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của ông đã và đang trở thành sợi dây kết nối lực lượng tiến bộ giữa các nước và thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực. Ngày 9/10/1967, “Người du kích anh hùng” đã ngã xuống, nhưng cũng chính ngày đó ông đã trở thành một chiến sĩ quốc tế bất tử, truyền ngọn lửa cách mạng cho nhiều thế hệ kế tiếp, mà các hoạt động kỷ niệm và tôn vinh rộng khắp toàn cầu nửa thế kỷ sau khi ông đã ra đi chính là một minh chứng.