Củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào

Chuyến thăm hữu nghị chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith tới Việt Nam trong hai ngày (từ ngày 28 - 29/6) là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị vĩ đại và đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.

Củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, hồi tháng 12/2020. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Thonglun Sisoulith trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2021-2026 và cũng là lần đầu tiên kể từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam đón Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Lào thăm Việt Nam.

Chuyến thăm góp phần khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của cả hai nước, đặc biệt coi trọng giữ gìn và không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam; góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ gắn bó, tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước trong nhiệm kỳ mới.

Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, trong hơn tám thập niên qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng đã qua, Việt Nam và Lào có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng đất nước, hai dân tộc anh em đã kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, nhường cơm sẻ áo, thậm chí nhường nhau tính mạng để cùng nhau đi tới thắng lợi cuối cùng.

Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ ân tình của nhân dân Lào khi tự nguyện rời nhà cửa, bỏ nương rẫy lùi sâu vào rừng để con đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn vươn dài khắp 7 tỉnh từ Trung đến Nam Lào, để hàng triệu tấn hàng từ miền Bắc theo những đoàn xe vận tải, theo vai thanh niên xung phong vào tận miền Nam phục vụ chiến trường.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN về nghĩa tình Lào-Việt qua con đường Tây Trường Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào, Đại tướng Chansamone Chanyalath cho biết: “Chúng tôi đã dành toàn bộ đất đai của 4 tỉnh và nhiều huyện ở miền Nam để các đồng chí Việt Nam sử dụng trong việc xây dựng lực lượng, vận chuyển quân, vật tư, thiết bị kỹ thuật ra chiến trường. Bom đạn Mỹ đã phá hoại con đường này một cách nặng nề, các tỉnh Bolykhamsay, Khammuan, Savannakhet, Salavan, Sekong, Attapeu đã bị bom đạn địch tàn phá nặng nề, hủy diệt cả làng cả huyện luôn, ở Việt Nam thì cũng vậy”.

Đại tướng Chansamone khẳng định: “Đây là tuyến đường chiến lược quan trọng nhất của Lào và Việt Nam, là tuyến đường tương thân tương ái và hữu nghị giữa hai nước nói chung và hai quân đội nói riêng, thể hiện tình đoàn kết đặc biệt giữa hai quân đội và hai nước Việt Nam và Lào anh em”.

Không chỉ góp phần to lớn, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, đường Tây Trường Sơn cũng đã giúp cách mạng Lào nhanh chóng giành được chính quyền về tay nhân dân với tổn thất ít nhất vào ngày 2/12/1975.

Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng đất nước trong hòa bình và quá độ đi lên CNXH, quan hệ hai nước chuyển từ quan hệ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Ngày 18/7/1977, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Hiệp ước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai bên tiến tới ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này.

Trong quá trình hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau sau chiến tranh, theo đề nghị của Lào, Việt Nam tiếp tục cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp bạn bảo đảm an ninh, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ đó được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; đề cao ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.

Trao đổi với phóng viên TTXVN về sự hỗ trợ và giúp đỡ của chuyên gia Việt Nam tại Lào, cả trong chiến tranh cũng như sau ngày hai nước giành độc lập, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lào, Thượng tướng Vilay Lakhamphong cho biết trong quá trình 60 xây dựng và trưởng thành của Lực lượng công an Lào (4/1961-4/2021), các chuyên gia công an Việt Nam đã giúp Lào trên rất nhiều lĩnh vực, như giúp xây dựng lực lượng, đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội… đến nay Bộ Công an Việt Nam vẫn tiếp tục hỗ trợ Lào về cơ sở vật chất, giải quyết những vấn đề khó khăn, những công tác còn tồn đọng chưa giải quyết được...

Thượng tướng Vilay Lakhamphong khẳng định: “Cách mạng Lào trong suốt những năm tháng qua không thể thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bạn Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của nhân dân Lào. Vì vậy, tình đoàn kết giữa hai nước chúng ta trở thành mối quan hệ hiếm có trên thế giới, là mối quan hệ mà các nước trên thế giới không có được, trở thành truyền thống, tài sản vô giá của hai nước chúng ta”.

Trong công cuộc đổi mới của mỗi nước ngày nay, Việt Nam và Lào tiếp tục chung lưng đấu cật, hỗ trợ nhau phát triển, cùng giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về kinh tế, xã hội, đối ngoại. Quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước Việt-Lào cũng được đẩy mạnh và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng phát triển trên một nền tảng sâu rộng và ngày càng vững chắc.

Bất chấp đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn tới mọi hoạt động, lãnh đạo hai nước vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc cấp cao theo hình thức phù hợp, hợp tác trong lĩnh vực chính trị tiếp tục được thắt chặt, gần gũi, tin tưởng lẫn nhau một cách sâu sắc; Hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng được tăng cường và ngày càng hiệu quả.

Trong hợp tác kinh tế, Việt Nam hiện là một trong 3 nhà đầu tư lớn nhất tại Lào. Để tăng cường hỗ trợ nhau cùng phát triển, hai nước hiện cũng đang thúc đẩy các dự án kết nối kinh tế và giao thông như Dự án xây dựng tuyến cao tốc Viêng Chăn-Hà Nội, Dự án tuyến đường sắt Khammuan-Vũng Áng…

Trong trao đổi thương mại, bất chấp đại dịch COVID-19, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào vẫn đạt trên 570 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hợp tác giáo dục, đào tạo tiếp tục là lĩnh vực được hai nước ưu tiên, coi trọng, để hỗ trợ Lào có đủ nguồn nhân lực chất lượng, phát triển đất nước, trong những năm qua, số lượng học bổng Việt Nam dành cho học sinh-sinh viên Lào ngày càng tăng và năm 2021, con số này đã lên tới 1.220.

Để hỗ trợ Lào phát triển lâu dài, Việt Nam cũng tạo điều kiện để Lào sử dụng cầu cảng Vũng Áng 1,2,3, giúp cho Lào thuận tiện trong việc vận chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua đường biển; Viện trợ cho Lào xây dựng các công trình thiết yếu như trường học, bệnh viện, đường giao thông... Hiện tòa nhà Quốc hội mới của Lào, công trình biểu tượng Việt-Lào đã cơ bản hoàn thành và sắp được bàn giao, trong khi các bệnh viện tại tỉnh Xiengkhuang và Huaphanh cũng gần hoàn thành và dự kiến cũng sẽ bàn giao trong năm 2021.

Năm 2021 là năm đặc biệt quan trọng của cả hai nước Việt Nam và Lào khi cùng tổ chức thành công đại hội đảng và bầu ra ban lãnh đạo mới tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là năm đại dịch COVID có nhiều diễn biến phức tạp khiến cả Lào và Việt Nam phải căng sức để đối phó. Tuy nhiên, khó khăn một lần nữa chỉ làm nổi bật hơn quan hệ đặc biệt dựa trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” giữa hai nước Lào-Việt anh em.

Mặc dù cũng đang phải đương đầu với những đợt bùng phát lây lan của các biến chủng mới, gây thiệt hại to lớn đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân, ngay khi Lào phải đối mặt với làn sóng dịch mới vào tháng 4 vừa qua, Việt Nam là nước đầu tiên cử chuyên gia và gửi vật tư y tế sang giúp Lào.

Đánh giá về nghĩa cử này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban phòng chống COVID-19 Lào, Kikeo Khaykhaphithoune cho biết: “Việt Nam là quốc gia đầu tiên gửi chuyến bay đặc biệt, vận chuyển thiết bị y tế, chuyên gia cao cấp đến Lào để giúp Lào chống lại làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm, lo lắng thực sự của Việt Nam đối với Lào mà còn cho thấy sự giúp đỡ hết sức kịp thời và đúng lúc, đúng nhu cầu của Lào. Đây là tình bạn hiếm có khó tìm trên thế giới”.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước Việt Nam cũng tích cực quyên góp ủng hộ Lào hàng triệu USD tiền mặt và vật tư y tế để giúp bạn chống COVID-19.

Về phía Lào, dù còn khó khăn hơn Việt Nam, nhưng vẫn vận động để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ tư. Đến nay, các tổ chức, ban ngành, địa phương và doanh nghiệp của Lào đã ủng hộ Quỹ phòng chống COVID-19 của Việt Nam trên 1,2 triệu USD. Đây có thể coi là minh chứng rõ nét về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, luôn bên nhau mỗi lúc khó khăn, hoạn nạn.

Tháng 2/2019, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Lào, hai bên nhất trí nâng từ “quan hệ hữu nghị truyền thống” trở thành “quan hệ hữu nghị vĩ đại”, đây là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử quan trọng, tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith chọn Việt Nam là nước thăm đầu tiên sau khi được bầu giữ cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào chắc chắn sẽ giúp củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.

Theo TTXVN

Đọc thêm