Ý nghĩa tục cúng ông Công, ông Táo
Theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, có nhiều truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc thờ Táo quân.
Theo tập quán thờ “Ngũ tự” (thờ 5 vị thần trong gia đình), người ta thờ thần Bếp (Táo quân), thần Giếng (Tĩnh thần), thần Cửa (Môn thần), thần Nhà (Hộ thần), thần Cửa sổ (Trung lưu thần).
Lại có thuyết nói ngũ tự là 5 vị thần Bếp (Táo quân), thần Đất (Thổ công), Tổ nghề (Tiên sư), thần cửa (Môn gia hộ úy), thần bảo hộ sức khỏe con người và vật nuôi (nhân súc Y thần). Trong đó Táo quân, Thổ địa và Môn thần được thờ cúng phổ biến nhất. Táo quân (Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân) là vị chủ quản về phúc đức trong gia đình.
Sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi cũng có sự tích ba ông đầu rau, nói về nguồn gốc “vua bếp hai ông một bà” gồm người vợ là Thị Nhi (Nhi nghĩa là nhừ, chín nhừ), người chồng trước là Trọng Cao (Cao nghĩa là tinh bột, ám chỉ gạo) và người chồng sau là Phạm Lang (Còn đọc là Canh - món canh).
Khi “cơm không lành, canh không ngọt”, ba người gặp nạn biến thành ba ông đầu rau.
Người Việt rất chăm chút cho lễ cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh: Tố Linh).
Lại có truyền thuyết cho rằng, Táo quân là em Ngọc hoàng, được Ngọc hoàng phái xuống nhân gian làm Vua bếp, nắm bắt tình hình, những việc tốt - xấu trong gia đình. Ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Vua bếp về trời tấu Ngọc hoàng để quyết định phúc - họa đối với gia đình đó.
Ngoài việc tạ ơn, cầu phúc, tập quán thờ Táo quân có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Chủ nhà khi cúng Táo quân phải thành tâm điểm lại những sai lầm, việc xấu đã phạm phải trong năm, đã xảy ra trong gia đình; kiểm điểm, sám hối, hứa quyết tâm sửa chữa lỗi lầm và cầu xin Táo quân chỉ tấu báo những điều tốt đẹp, mong Ngọc hoàng ban phúc cho gia đình.
Trước đây, nhiều gia đình khi cúng Táo quân còn gọi con cháu đến nghe lời khấn, để cùng kiểm điểm với bố mẹ, cùng sám hối và phấn đấu, tu dưỡng trong năm mới. Trong bữa cơm sau lễ cúng Táo quân, ông bà, cha mẹ kể lại sự tích Táo quân và căn dặn con cháu phải ăn ở phúc đức, trung thực, không làm việc xấu.
Cúng ông Công, ông Táo ngày nào, giờ đẹp?
Lễ cúng Táo quân (có nơi gọi là Tết Táo quân) thường được tiến hành vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải, cũng có nơi, người dân tổ chức lễ Táo quân vào ba ngày khác nhau: Vua quan cúng ngày 23, thứ dân cúng ngày 24 và những người làm nghề chài lưới, ngư dân cúng vào ngày 25.
Tết ông Công, ông Táo năm 2023 rơi vào ngày thứ Bảy 14/1 dương lịch (ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần). Nhiều gia đình thường có tâm lý chọn ngày, cúng giờ cúng đẹp với tâm lý cầu được nhiều tài lộc, may mắn.
Trước băn khoăn này, nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải cho rằng, có thể cúng Táo quân trong các ngày từ 17 - 23 tháng Chạp; không cần chọn giờ, chỉ cần cúng xong trước 23h là được.
Nghi thức trong lễ cúng Táo quân thực hiện như các nghi thức cúng tế thần linh khác, quyết định ở sự thành thật, lòng biết ơn trong tâm niệm và thái độ trang nghiêm của người cúng lễ", ông Hải cho hay.