Năm 1975, anh thanh niên Nguyễn Huy Năm nhập ngũ vào Tiểu đoàn 50, Trung đoàn 177, Quân khu 4. Sau 3 tháng tân binh, anh tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Trong 13 năm tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, ông Nguyễn Huy Năm từng đảm nhận đến chức vụ Đội trưởng Đội công tác đặc biệt, trực tiếp chiến đấu, đánh phỉ Vàng Pao. Năm 1988, ông Năm được phục viên trở về quê, mang trên mình thương tật 61%, hưởng chế độ bệnh binh.
Trở về quê, hoàn cảnh lúc đó của ông Năm hết sức khó khăn, bố mẹ già yếu, vợ chồng đông con, cuộc sống của gia đình dựa vào tiền trợ cấp bệnh binh của ông Năm và vài sào ruộng... Nhưng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ - “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Năm đã trăn trở tìm cách phát triển kinh tế để vươn lên.
Ông Năm bộc bạch: “Thời điểm tôi xuất ngũ, đất nước còn khó khăn, tôi lấy vợ lại sinh liền 4 con nên cuộc sống cũng hết sức chật vật, thêm vào đó, sức khỏe của tôi yếu do ảnh hưởng của nhiều vết thương nên rất khó tìm việc làm phù hợp. Sau thời gian tìm hiểu, mày mò với đủ loại nghề nhưng không thành công, tôi bàn với vợ mua máy xay đá để phục vụ các công trình xây dựng. Ban đầu vợ tôi không đồng ý, song tôi thuyết phục mãi, bà cũng nhất trí".
Nghĩ là làm, năm 1997, ông Năm đã vay mượn người thân, bạn bè mạnh dạn mua 8 máy xay đá phục vụ vật liệu xây dựng cho các công trình địa phương và các vùng lân cận. Theo ông Năm, thời điểm 1997-2004 là những năm cao điểm của việc sản xuất đá xay của gia đình ông, có thời điểm phải thuê hàng chục công nhân làm việc thường xuyên, thu nhập gia đình đạt từ 40-50 triệu đồng/tháng. Những tưởng việc kinh doanh cứ vậy là ổn định, phát triển nhưng sau thời điểm đó, thị trường bão hòa, các doanh nghiệp lớn thi nhau sản xuất đá nghiền nên hộ sản xuất kinh doanh nhỏ như ông rất khó cạnh tranh và cuối cùng phải "giải nghệ".
Không nản chí, ông Năm lại xoay sang tìm hiểu việc trồng rừng, phát triển kinh tế trang trại. Trên nền tảng 10 ha rừng, ông thực hiện khai hoang vườn đồi vào năm 1991, năm 2016, ông Năm vay mượn mua thêm hơn 10 ha rừng nữa để phát triển kinh tế trang trại.
Ông Năm chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi phải mất rất nhiều thời gian và tiền của khi phải loay hoay tìm loại cây, con phù hợp với thổ nhưỡng. Đã có lúc tôi định bỏ cuộc nhưng nghĩ tới gia đình, nghĩ tới những gian khó đã nếm trải trong cuộc đời quân ngũ, cũng như những ngày mới phục viên về quê "cơm không đủ ăn, áo mặc không đủ ấm"... tôi lại kiên trì bàn bạc cùng vợ, quyết tâm xây dựng thành công trang trại để vượt qua thất bại, khó khăn...".
Và sỏi đá đã không phụ sự cần cù, mồ hôi, nước mắt của vợ chồng người cựu chiến binh. Vùng đồi cằn cỗi ngày nào nay đã được phủ xanh bằng gần 20 ha trồng keo, thu hoạch luân phiên, mỗi lứa thu hoạch ông Năm thu về gần 500 triệu đồng.
Ngoài trồng keo, ông Năm đào ao rộng hơn gần 1 ha để thả cá, trồng thêm cây cảnh bán để có tiền “lấy ngắn nuôi dài”, nuôi gần 20 con bò mỗi lứa, mỗi lần xuất bán mang về 300-400 triệu đồng...
Ông Năm cho biết: “Trung bình một năm, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng gần 300 triệu đồng từ trồng rừng và kinh tế trang trại. Gần đây, gia đình tôi còn đầu tư trồng hơn 1.000 cây mai cảnh Kỳ Nam, khoảng vài năm nữa sẽ đủ điều kiện xuất bán...".
Dù là bệnh binh mang trên mình thương tật 61% nhưng ngay từ những ngày đầu rời quân ngũ trở về quê, ông Nguyễn Huy Năm đã luôn nỗ lực, vươn lên, vừa phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, vừa đóng góp tích cực cho các phong trào đoàn thể ở địa phương. Ông Năm là một trong những tấm gương điển hình về ý chí vươn lên của người thương binh tàn nhưng không phế...