Dưới sự chủ trì của Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Thị Loan, sáng 13/5, các đại biểu Quốc hội, đại diện các sở, ngành, đoàn thể đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). |
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Thị Loan chủ trì hội nghị.
Nhiều năm qua, bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Vấn nạn bạo lực gia đình đang có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, đã và đang để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình, gây thiệt hại lớn đối với toàn xã hội.
Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn bất cập. Từ đó, việc Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là hết sức cấp thiết.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Thị Loan báo cáo kết quả hoạt động công tác gia đình trong thời gian qua.
Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 2.832 vụ bạo lực gia đình, đối tượng gây ra bạo lực chủ yếu là nam giới, chiếm tỷ lệ 94,7%. Trong đó, có 2.301 vụ được xử lý theo hình thức góp ý, 6 vụ áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã, 61 vụ áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của TAND cấp huyện. Để ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn; nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; đầu tư các nguồn lực triển khai thực hiện... |
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều; trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều trong luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 điều; bỏ 3 điều, so với luật hiện hành tăng 16 điều.
Bố cục của Luật gồm: những quy định chung (từ điều 1 - điều 13); phòng ngừa bạo lực gia đình (từ điều 14 - điều 26); bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình (từ điều 27 - điều 47); điều kiện đảm bảo cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình (từ điều 48 - điều 51); quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình (từ điều 52 - điều 60); điều khoản thi hành (từ điều 61 - điều 62).
Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phan Quý Nhất: Cần nghiên cứu, bổ sung hình thức “đưa tin” đối với quy định về báo tin, tố giác bạo lực gia đình theo Điều 27.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; bảo đảm phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Đại biểu góp ý, cần sửa quy định “Khi phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, các thành viên trong gia đình, dòng họ thực hiện hòa giải hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ hòa giải ở cơ sở thực hiện hòa giải” thành “Khi phát hiện những tình huống mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình xẩy ra hoặc có khả năng xẩy ra, các thành viên trong gia đình, dòng họ thực hiện hoà giải hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ hòa giải ở cơ sở thực hiện hòa giải"; quy định rõ số điện thoại của đường dây quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; mở rộng đối tượng bạo lực gia đình; quy định thêm trách nhiệm của hội LHPN trong phối hợp tổng hợp, thống kê phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực.
Chánh Thanh tra Sở TT&TT Phạm Xuân Báu đề nghị bổ sung mở rộng đối tượng bạo lực gia đình; quy định thêm trách nhiệm của hội LHPN trong phối hợp tổng hợp, thống kê phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực...
Tăng thời hạn thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc thay vì quy định 3 ngày theo điều 33 dự thảo Luật; sửa quy định “Cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện việc chăm sóc và hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho người bị bạo lực gia đình trong thời gian người bị bạo lực gia đình lưu trú tại cơ sở theo quy định của pháp luật” thành “Cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện việc chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho người bị bạo lực gia đình trong thời gian người bị bạo lực gia đình lưu trú tại cơ sở theo quy định của pháp luật”.
Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Công an tỉnh góp ý về các quy định liên quan đến quyền, trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng tham gia góp ý sửa đổi các quy định liên quan đến các loại hình hòa giải; báo tin, tố giác về bạo lực gia đình; buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; cấm tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng; trách nhiệm của cơ sở trợ giúp xã hội và trung tâm trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình...
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án TAND tỉnh: Thời gian cấm tiếp xúc theo khoản 1, Điều 33 của dự thảo luật chỉ có 3 ngày là chưa phù hợp với thực tế, chưa thực sự tạo được an toàn cho người bị bạo lực gia đình cũng như người tố giác, cung cấp thông tin về bạo lực gia đình. Đề nghị tăng thời hạn thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc.
Đại biểu cũng đề nghị cần có quy định rõ về nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của ban chỉ đạo công tác gia đình và hoạt động quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương; quan tâm hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ, công chức, trợ giúp viên pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung quy định trách nhiệm của hội LHPN các cấp.
Cơ quan soạn thảo Luật cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự án luật này với các luật có liên quan khác đặc biệt là Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia nhìn nhận, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã nhận diện rõ hơn hành vi bạo lực gia đình; quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, trách nhiệm của các cơ quan; kinh phí, nguồn lực thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia tiếp thu ý kiến của các đại biểu.
Các ý kiến chất lượng, sát thực tiễn của đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp đầy đủ nhằm tiếp tục góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.