Sáng 25/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ảnh: Báo Công lý
Sáng nay, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Theo đó, phiên thảo luận dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (sau đây gọi là dự thảo luật) ghi nhận 17 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận.
Liên quan đến dự thảo Luật được thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng nghe Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình một số nội dung trọng tâm về tiêu chuẩn hòa giải viên; phương thức, nguyên tắc hòa giải, đối thoại...
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn tiếp tục chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Tham gia thảo luận tại kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, cần quy định: “Trước khi tiến hành hòa giải, đối thoại, hòa giải viên có thể tranh thủ ý kiến của người có uy tín, tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực mà mình hòa giải” để đảm bảo hòa giải viên độc lập và tuân theo pháp luật.
Bên cạnh đó, quy định rõ việc chi trả kinh phí trong trường hợp tranh thủ ý kiến của người có uy tín, tham khảo ý kiến của cơ quan tổ chức, cá nhân.
Về kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án theo Điều 6, dự thảo luật, trước mắt do ngân sách Nhà nước đảm nhận.
Xung quanh điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên, theo đại biểu Sơn, nhóm đối tượng đã là thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, kiểm sát viên, chấp hành viên thi hành án dân sự... sau khi nghỉ hưu chỉ cần thỏa mãn các điều kiện quy định tại điểm a và điểm c, khoản 1, Điều 10.
Đối với nhóm đối tượng thứ 2 “Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn" và nhóm đối tượng thứ 3 (những người hiểu biết về phong tục, tập quán) phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo luật
Về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại tòa án và chỉ định hòa giải viên (Điều 18), đại biểu Hà Tĩnh đề nghị bổ sung quy định sau khi nhận đơn khiếu kiện, tòa án có trách nhiệm thông báo đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để có sự giám sát.
Về phương thức hòa giải, đối thoại (Điều 22) nên quy định việc tiến hành ngoài trụ sở tòa án do hòa giải viên và các đương sự thỏa thuận lựa chọn nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cũng cho rằng: Dự thảo luật có nhiều nội dung quy định, giao Chánh án TAND tối cao hướng dẫn thi hành nhưng chưa có các văn bản dự thảo kèm theo, nên khó đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; đồng thời các trường hợp nhiều dự thảo luật có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn sẽ dẫn tới khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.
Theo chương trình làm việc, chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận, góp ý vào dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).