Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “quyết định khó khăn nhất” ở Điện Biên Phủ

(Baohatinh.vn) - 70 năm trôi qua, ý nghĩa lịch sử, bài học to lớn mà chiến thắng Điện Biên Phủ mang lại vẫn còn nguyên giá trị.

Khắc sâu lời dặn của Bác Hồ: “Chắc thắng mới đánh”

Chiến thắng được làm nên bằng sức mạnh của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng vai trò chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết sức quan trọng. Những quyết định “cân não” của Đại tướng trên chiến trường thực sự đã thay đổi thế trận.

e9e40180f763b81d2d1188b3bb4e29e3.jpg
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký” (NXB Quân đội Nhân dân).

Trong cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký” (NXB Quân đội Nhân dân), trang 900 có ghi lại những dòng hồi tưởng của Đại tướng trước khi bước vào Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và Chiến thắng Điện Biên Phủ. Lúc đó, Đại tướng lên Khuổi Tát (Định Hóa - Thái Nguyên) chào Bác Hồ. Bác đã nói:

“Tổng tư lệnh ra mặt trận. “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.” Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Tôi cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng”

Với trách nhiệm nặng nề mà vinh quang của vị tổng chỉ huy chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ngày đêm trăn trở, nghiên cứu kỹ địa hình, thế trận ta - địch, tổng hợp các báo cáo của các bộ phận, đặc biệt là việc vận chuyển pháo vào chiến trường và tổ chức trận địa. Ban đầu Đảng ủy Mặt trận chọn cách đánh nhanh để tiêu diệt địch. Ai nấy đều hân hoan phấn khởi với chủ trương này.

z5416259117771_78ce10efe1360bd02149010a2cedaf2e.jpg
Bộ Chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh: TTXVN)

Khó khăn lớn nhất lúc này là đưa được pháo vào trận địa. Đường kéo pháo đã mở rộng từ 1m lên 3m dài 82km. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định thành lập bộ chỉ huy kéo pháo, do đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Đại đoàn 312 làm chỉ huy trưởng.

Tuy vậy, khi đi thăm đường kéo pháo, Đại tướng có nhiều băn khoăn: con đường kéo pháo khá dài, trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao 30, 40 độ, có chỗ 60 độ, vực sâu, rất khó đưa pháo vào trận địa đúng thời gian dự kiến và việc tiếp đạn khó khăn. Sau 7 ngày, pháo vẫn chưa tới vị trí quy định. Ta phải dùng sức người kéo những khối thép nặng 2 tấn, lại bị máy bay và pháo địch cản trở. Trong những ngày ấy, có những cán bộ chiến sĩ đã hy sinh thân mình để cứu pháo khỏi rơi xuống vực. Sau đó, ta phải dùng ô tô đưa pháo vào trận địa.

Nhiều đêm Đại tướng thao thức, suy tính, cân nhắc rất nhiều lần. “Tôi cảm thấy như cả tháng đã trôi qua. Nhưng tính lại từ khi trao nhiệm vụ chiến đấu tới đó, chỉ có có mười một ngày. Mỗi ngày, tôi càng nhận thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Lời Bác dặn trước lúc lên đường và Nghị quyết Trung ương hồi đầu năm vẳng bên tai: “Chỉ được thắng không được bại, vì bại là hết vốn!”- Đại tướng viết.

Chuyển “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”

Quyết định chuyển “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” (nguyên văn lời Đại tướng) của vị Tổng Chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trong cuộc họp với Đảng ủy Mặt trận và Trưởng đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh vào ngày 26/1/1954, sau khi trình bày rõ các khó khăn, Đại tướng nói: “Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Phải qua nhiều ý kiến bàn thảo mới đi đến thống nhất. Đại tướng kết luận: “Nay quyết định hoãn cuộc tấn công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”.

Công việc kéo pháo vào đã vất vả, nhưng kéo pháo ra còn gian nan hơn. Máy bay địch bắn phá. Ở những đoạn đường trống phải kéo pháo vào ban đêm. Dây pháo đứt, Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình cứu pháo. Đại đoàn 312, Trung đoàn 57 cùng với các chiến sĩ pháo binh được lệnh bằng mọi giá đưa pháo trở về vị trí xuất phát an toàn. Bài hát “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân ra đời trong dịp này. Cùng với việc kéo pháo ra, ta tổ chức chuyển quân đánh nghi binh địch ở Tây Nguyên và Hạ Lào, Trung Lào, Thượng Lào.

bk.1499_resize-1417x1028.jpg
Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào chiếm lĩnh trận địa, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Trung ương Đảng hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ nhảy vào Đông Dương. Quân địch ở Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, phần lớn là “đội quân nhà nghề” viễn chinh, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, 2 tiểu đoàn súng cối 120 ly, 1 đại đội pháo 155 ly. 1 đại đội xe tăng 18 tấn, 17 chiếc máy bay thường trực ở sân bay Mường Thanh, tổng số quân địch khoảng 12.000 người. Quân ta có 9 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn sơn pháo 75 ly, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 ly, 4 đại đội súng cối 120 ly, 1 trung đoàn pháo cao xạ 37 ly và 2 tiểu đoàn công binh. So sánh về lực lượng, thế chúng ta vẫn là yếu đánh mạnh.

Tuy nhiên, sau khi phân tích lợi thế của ta, thế yếu của địch, Đảng ủy Mặt trận, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định: Chiến dịch Điện Biên Phủ được tiến hành qua 3 bước: Bước 1, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, gồm làm đường đưa pháo vào trận địa vững chắc, xây dựng trận địa bao vây và tiến công, chuẩn bị hậu cần; Bước 2: Tiêu diệt trung tâm đề kháng ở ngoại vi, thắt chặt trận địa, khống chế sân bay; Bước 3: khi điều kiện chín muồi, tổng công kích toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Trung đoàn Công binh 151 làm nòng cốt, cùng với các Đại đoàn 312, 316 và Trung đoàn 675 được huy động làm nhiệm vụ làm đường cơ động pháo, mở lối tiến vào rừng sâu. Chỉ sau hơn 20 ngày lao động khẩn trương, cả 6 tuyến đường cơ động pháo dài 70 km đã hoàn thành. Hầm pháo nằm sâu vào lòng núi, được thiết kế vững chắc. Cạnh hầm pháo là hầm chỉ huy, hầm hội họp. Nối liền là giao thông hào khá rộng và sâu, mạng dây thông tin dài hơn 60 km.

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng

bk.1507_resize-1417x1085.jpg
Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch, bộ đội pháo binh của ta đã dội bão lửa xuống đầu thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN).

Tại trận mở màn Him Lam ngày 13/3/1954, pháo của ta đã bắn cấp tập vào đội hình địch, gây bất ngờ cho chúng, điều đặc biệt hơn là chính Pi-rốt, viên phó chỉ huy tập đoàn cứ điểm lại không phát hiện được bất cứ vị trí nào của những khẩu pháo đang nhả đạn. Cùng với sự mưu trí, dũng cảm của bộ đội ta, đặc biệt là tấm gương lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong lô cốt địch của Anh hùng Phan Đình Giót, trận Him Lam đã thắng lợi giòn giã.

Ta tiến hành tiêu diệt các cứ điểm khác. Cùng với trận địa pháo là vòng vây trận địa chiến hào quân ta đã đào tiến gần tới trận địa trung tâm của địch. Ước tính bộ đội ta đã đào 200 km giao thông hào. Quân địch khó có thể rút lui hoặc đưa thêm quân tăng viện. Cấu trúc cơ bản của tập đoàn cứ điểm bị phá vỡ. Đảng ủy Mặt trận chủ trương tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh chiếm đồng thời các điểm cao phía đông E, D1, C1, C2, A1.

Ngày cuối cùng kết thúc chiến dịch lịch sử , 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn (Tố Hữu), quân ta đã dùng khối bộc phá ngàn cân đánh đồi A1, phá vỡ tuyến ngang của địch, giúp bộ binh xung phong thuận lợi. Cuộc chiến đấu trên những ngọn đồi phía đông kết thúc. Cả khu trung tâm nằm gọn dưới hỏa lực bắn thẳng của ta. Quân ta từ ba phía đánh vào khu trung tâm. 17h30 phút chiều 7/5/1954, toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Tướng Đờ- Cát bị bắt.

bk.1580_resize-1417x951.jpg
Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" phấp phới bay trên nóc hầm Đờ-cát. (Ảnh tư liệu).

Ngày 8/5, bộ đội ta nhận được thư khen của Bác Hồ. Hai ngày sau khi cuộc chiến kết thúc, từ sở chỉ huy ở Mường Phăng thăm chiến trường Điện Biên Phủ, nhìn toàn bộ đỉnh đồi A1, vị tướng hòa bình, vị tướng của lòng dân đã nghĩ tới một nhiệm vụ “phải trả lại cánh đồng không còn dây thép gai và mìn cho đồng bào làm mùa, trước khi đi đánh giặc trên những chiến trường khác”. Là người chỉ huy cao nhất, ông nhớ thương những chiến sĩ của mình đã hy sinh. Đại tướng viết: “Niềm vui chiến thắng đã lắng lại. Bao nhiêu đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại Him Lam, đồi Độc lập, đồi A1, những đồi C, đồi D…! Những người hầu hết còn ở lứa tuổi đôi mươi. Sự hy sinh của các anh không uổng phí. Các anh đã cho quân xâm lược một bài học nhớ đời”.

Hôm nay, cả dân tộc và bạn bè năm châu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chắc linh hồn Đại tướng cũng đang cùng các anh hùng liệt sỹ về thăm lại chiến trường xưa, trong khói hương hư ảo và niềm thương nhớ, biết ơn, kính trọng của hàng chục triệu con dân nước Việt.

(Tư liệu trong bài lấy từ sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng tập hồi ký” ( NXB Quân đội Nhân dân-2011),

Chủ đề 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Đọc thêm