Chủ động nắm bắt nhu cầu, khởi động sớm thị trường sách giáo khoa (SGK), đến nay, việc phát hành sách ở các đại lý của Công ty CP Sách và Thiết bị trường học ở Hà Tĩnh đang rất sôi động. Nhu cầu về SGK trong dịp này chủ yếu dành cho các khối thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thị trường SGK chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn sôi động.
Ngoài các khối 1, 2, 6, năm nay, Hà Tĩnh có thêm các khối 3, 7, 10 thực hiện chương trình thay sách giáo khoa. Để đưa ra sự lựa chọn phù hợp với điều kiện dạy học của giáo viên, học sinh, việc lựa chọn sách mới đã được tỉnh chỉ đạo triển khai bài bản, kỹ càng và đúng quy trình. Đó cũng là lý do thời gian phê duyệt danh mục SGK ở Hà Tĩnh muộn hơn so với nhiều địa phương khác, khiến việc đăng ký sách giáo khoa chương trình mới ở các khối lớp nói trên cũng thực hiện muộn hơn.
Chị Trần Thị Kim Huệ - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP sách và thiết bị trường học Hà Tĩnh cho biết: “Nỗ khắc phục khó khăn trong công tác phát hành, đến thời điểm hiện tại, khoảng 95% số sách đã về với các trường học và học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Trong số đó, có hơn 1,5 triệu bản sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng nhu cầu cho các khối lớp 1, 2, 3 và 6, 7. Số lượng phát hành còn lại chủ yếu là sách lớp 10 và một số loại sách bổ trợ”.
Căn cứ vào danh mục SGK của trường, HS lớp 10 tự mua sách giáo khoa và sách tổ hợp.
Thực tế cho thấy, năm nay, việc phát hành sách lớp 10 còn khá chậm, do ngoài 8 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh; Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp; Giáo dục địa phương, học sinh lớp 10 còn phải lựa chọn sách các tổ hợp tùy theo năng lực sở trường. Điều đó dẫn đến quá trình rà soát, thống kê nhu cầu sách của công ty phát hành gặp nhiều khó khăn.
Em Nguyễn Thị Hoa lớp 10A5 - Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: “Căn cứ vào danh mục sách giáo khoa nhà trường gửi, em đã mua đầy đủ sách ở các môn bắt buộc. Tuy nhiên em còn khá phân vân trong việc lựa chọn sách giáo khoa ở các tổ hợp và các loại sách bổ trợ. Vì thế, em sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham khảo cân nhắc để có sự lựa chọn phù hợp”.
Hiện tượng thiếu cục bộ một số đầu sách bổ trợ diễn ra ở thị trường SGK Hà Tĩnh.
Qua khảo sát nhu cầu thực tế và thị trường sách giáo khoa ở Hà Tĩnh cho thấy, hiện tại, sách giáo khoa chương trình mới đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của học sinh. Trung bình, giá một bộ sách giáo khoa mới cũng chỉ tăng hơn sách giáo khoa chương trình hiện hành khoảng 20% - 30% nên phụ huynh đều đã chủ động khâu nối với các trường hoặc tự đặt mua cho con. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, ở các đại lý vẫn xuất hiện tình trạng thiếu sách cục bộ, chủ yếu là sách Lịch sử lớp 10 và các loại sách bổ trợ.
Lý giải về tình trạng này, chị Trần Thị Kim Huệ - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP sách và thiết bị trường học Hà Tĩnh thông tin: “Năm nay, ngành GD&ĐT siết chặt công tác chỉ đạo, quản lý nhằm hạn chế tình trạng một số trường ép học sinh mua sách bổ trợ, do đó, các danh mục sách này chủ yếu do phụ huynh mua cho con khi có nhu cầu. Riêng đối với sách Lịch sử lớp 10, tình trạng thiếu là do sự thay đổi từ môn tự chọn sang môn học bắt buộc. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã rà soát, đặt bổ sung; dự kiến cuối tuần này sách sẽ về với các đại lý, đáp ứng nhu cầu cho học sinh”.
Tủ sách dùng chung tại thư viện các trường cũng sẽ góp phần đáp ứng đủ SGK phục vụ nhu cầu học tập của học sinh. (Ảnh chụp tại thư viện Trường TH Thạch Sơn - Thạch Hà).
Cùng với những nỗ lực đáp ứng nhu cầu thị trường của Công ty CP Sách và Thiết bị trường học, mục tiêu đảm bảo đầy đủ sách giáo khoa chương trình mới cho học sinh cũng được ngành GD&ĐT đặc biệt quan tâm. Bằng các giải pháp quyên góp sách cũ, kêu gọi nguồn xã hội hóa trong việc làm giàu cho tủ sách ở thư viện trường học, Hà Tĩnh phấn đấu 100% học sinh có đầy đủ sách giáo khoa trong năm học mới.
Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng tủ sách dùng chung với mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa. Sở GD&ĐT tiếp tục kêu gọi các NXB có sự hỗ trợ SGK cho các thư viện trường học. Bước vào năm học mới, học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu sẽ được thư viện trường cho mượn sách. Qua đó, đảm bảo 100% học sinh, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có đủ sách giáo khoa bước vào năm học mới.