Cô Trần Thị Hải Lý – Trưởng phòng Mầm non- Sở GD&ĐT cho biết: “ Việc chủ động phòng chống rét cho học sinh ở bậc học mầm non là vấn đề được chúng tôi đặc biệt quan tâm ngay từ thời khắc giao mùa. Vấn đề này còn được Phòng lồng ghép nhắc nhở tại hội nghị chuyên môn của cấp học diễn ra trong tháng 12 vừa qua. Và gần đây nhất, chúng tôi đã có công văn gửi Phòng giáo dục các huyện, thị, thành phố trong việc chỉ đạo các trường mầm non thực hiện phòng chống rét, phòng chống dịch bệnh cho trẻ em”.
Giờ chơi của các cháu trường Mầm non Hoa Sen - TP Hà Tĩnh |
Theo tinh thần ấy, các trường mầm non trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc công tác chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho trẻ mà cụ thể là đảm bảo có đủ nước ấm cho trẻ sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, ăn uống đầy đủ, có cơ số chăn màn đủ ấm cho trẻ khi ngủ, giường, sạp ngủ của trẻ phải kê cao từ 25-30cm. Cùng với những cố gắng của đội ngũ giáo viên trong việc đến sớm để vệ sinh môi trường, phòng học, các phòng chức năng và phòng vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo đủ ánh sáng... điều đáng phấn khởi trong năm học này là việc chuyển đổi các trường mần non bán công sang công lập cũng đã tạo nên một khí thế, một quyết tâm lớn để các cấp ủy chính quyền địa phương cùng các bậc phụ huynh phát huy sức mạnh nội lực đầu tư CSVC cho nhà trường. Và trong số các hạng mục được đầu tư xây mới, bếp ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ là điều được các nhà trường chú trọng nhất.
Cô Lý cho biết thêm: “ Vừa qua chúng tôi cũng đã thành lập đoàn kiểm tra đến với một số huyện. Kết quả thật đáng phấn khởi khi hầu như các địa phương, các nhà trường đều đã nỗ lực khắc phục những mặt còn hạn chế của mình để nuôi dạy trẻ ngày một tốt hơn. Đáng ghi nhận ở một số địa phương khó khăn về nguồn nước- do nước nhiễm phèn, nhiễm mặn như ở Cẩm Nhượng ( Cẩm Xuyên), Ích Hậu ( Lộc Hà) cũng đã đầu tư xây dựng bể lọc quy mô, kiên cố để có nước sạch phục vụ cho học sinh... nên chúng tôi rất yên tâm”.
Phải luôn mặc ấm cho trẻ |
Bên cạnh những nỗ lực vượt bậc của các huyện vùng đồng bằng, trung tâm tỉnh lỵ, ở một số huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang... thời gian qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của các chương trình, dự án, các nhà tài trợ, những tấm lòng hảo tâm nên ngoài việc củng cố cơ sở vật chất thì những vấn đề như chăn, màn, giường sạp cho trẻ trong mùa đông giờ đây đã không còn là nỗi lo của các nhà trường. Cô Minh Doãn- Phó phòng giáo dục huyện Hương Khê cho biết: “ Dẫu ở một số điểm vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện, tỷ lệ trẻ đến trường có giảm hơn, nhưng nhìn chung tại 24 trường mầm non trên địa bàn mọi nếp sinh hoạt đều được duy trì đều đặn. Công tác phòng chống rét, phòng chống dịch bệnh trong mùa đông cho trẻ được các nhà trường thực hiện đầy đủ, nghiêm túc”.
Theo dự báo thời tiết, rét đậm rét hại vẫn tiếp tục kéo dài và qua khảo sát thực tế số học sinh ở lứa tuổi nhà trẻ cũng đã bắt đầu có xu hướng nghỉ học, ở một số nơi tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ tới lớp đã giảm 50%. Tuy nhiên ở lứa tuổi mẫu giáo, đặc biệt là trẻ ở nhóm lớp 5 tuổi hầu như vẫn duy trì đều đặn việc đến trường. Bên cạnh những cố gắng của nhà trường, của các cô nuôi dạy trẻ, thì sự chăm lo của các bậc phụ huynh đối với con em mình qua việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, cho trẻ luôn được mặc đủ ấm, có đầy đủ các đồ dùng cá nhân chống rét như khăn, mũ len, tất tay, tất chân, luôn có người lớn đưa đón mỗi lúc đi học và tan trường... chắc chắn rằng việc giữ gìn sức khỏe và duy trì nền nếp sinh hoạt, học tập cho trẻ em bậc mầm non trên địa bàn tỉnh trong mùa đông này sẽ được đảm bảo.