Cụ thể, tại kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với sự tham gia của 129 nước tham gia với hơn 900 đại biểu đã thông qua hồ sơ của đoàn Việt Nam về di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Điều này đồng nghĩa với việc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việc UNESCO công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại góp phần thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế; tăng cường các biện pháp bảo vệ nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền và phương pháp giảng dạy, truyền miệng cũng như trong chương trình giáo dục chính thức sẽ được thực hiện với sự tham gia tích cực của các học viên, các chuyên gia, các tổ chức chuyên ngành và với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.
Hồ sơ đề cử được xây dựng với sự tham gia của các thành viên cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành và các chuyên gia, các thành viên cộng đồng tự nguyện đề cử và cùng cam kết bảo vệ; di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam kiểm kê từ năm 2012 với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; năm 2012, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Việc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hoá thế giới, di sản này được quảng bá rộng rãi đến cộng đồng quốc tế; đúc kết được những phương pháp tiếp cận phù hợp và những biện pháp thiết thực để triển khai, bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, xứng với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo của loại hình dân ca này.
Ví, giặm Nghệ Tĩnh là loại hình dân ca độc đáo được hình thành trong lao động và sinh hoạt của cư dân hai tỉnh 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (gọi chung là Nghệ Tĩnh). Trải qua thời gian với sự thay đổi của đời sống xã hội, ví, giặm Nghệ Tĩnh đã chuyển đổi chức năng từ thực hành lao động sang sinh hoạt giải trí cộng đồng. Vì vậy, sức sống của ví, giặm luôn đi cùng năm tháng với các biến cố thăng trầm của lịch sử.
Sự kiện UNESCO công nhận ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vui rất lớn đối với người xứ Nghệ nói chung, người Việt Nam nói riêng.
Dự kiến ngày hôm nay (28/11), kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể sẽ bế mạc.
(Tổng hợp)