Phát biểu khai mạc Kỳ họp HĐND tỉnh sáng nay (6/12), Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Năm 2020, năm đầy ắp các sự kiện và năm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các phong trào thi đua yêu nước góp phần quan trọng cho thúc đẩy KT-XH phát triển; thành công của đại hội các cấp tạo khí thế mới, đoàn kết thống nhất và niềm tin của Nhân dân với Đảng được củng cố, tăng cường.
Tuy vậy, tỉnh ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đại dịch Covid-19 và lũ chồng lũ xảy ra trong tháng 10 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài sản, đời sống Nhân dân.
Trong tháng 10 vừa qua, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của 2 đợt lũ lớn gây ngập lụt trên diện rộng khiến Hà Tĩnh thiệt hại hơn 5.300 tỷ đồng. Ảnh: Thành Nam
Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, các địa phương trong cả nước; lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, với quyết tâm cao, đồng sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân nên chúng ta tiếp tục vượt qua thách thức, với tinh thần chống dịch như chống giặc, mỗi thôn, khối phố là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ chúng ta đã kiểm soát không để dịch lây ra cộng đồng, trong khi số người cách ly trong nhóm các tỉnh đông nhất cả nước; lũ chồng lũ có tính lịch sử, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh thành công rực rỡ và trọn vẹn; Ban Chấp hành, Ban Thường vụ khóa XIX đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời giúp đõ Nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra và đã ban hành Nghị quyết 01 tái thiết sau lũ.
Chính vì vậy, kinh tế tăng trưởng 0,53%, trong khi có 5 tỉnh tăng trưởng âm. Đặc biệt, khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng 3,76%, xây dựng nông thôn mới kiên trì thực hiện, đạt kết cao vẫn là điểm sáng của cả nước; thực tiễn chứng minh rằng lúc khó khăn càng thấy rõ vai trò khu vực nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế; thu nội địa vượt kế hoạch; an sinh xã hội được quan tâm; một số chỉ tiêu văn hóa, xã hội đạt khá. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, QPAN được giữ vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đến Hà Tĩnh kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ (ngày 20/10). Ảnh: Thanh Hoài
Những kết quả đạt được nêu trên là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân và doanh nghiệp. Song, so với kế hoạch đề ra thì chúng ta nghiêm túc, khách quan, trách nhiệm thấy rằng:
- Có 6/15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng không đạt đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đat 0,53%, đứng thứ 6 của các tỉnh Bắc Trung bộ, thứ 6 của cả nước, khu vực đầu tư xây dựng tư nhân giảm rất sâu; tăng thu ngân sách nội địa do thu đột biến tại Khu Kinh tế Vũng Áng gần 1.300 tỷ. Số lượng và chất lượng hoạt động doanh nghiệp giảm, doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng, khó khăn của doanh nghiệp thiếu tập trung tháo gỡ. Tổng nguồn vốn đầu tư xã hội đạt thấp nhất trong các năm gần đây và không đạt kết hoach. Hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thích ứng biến biến đổi khí hậu không đáp ứng. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Một số vùng, địa phương đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại thị xã Hồng Lĩnh tiếp xúc với cử tri phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh. Ảnh: Giang Nam
- Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn tồn tại, hạn chế, có mặt yếu kém. Công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, tiến độ chậm. Các tồn đọng để kéo dài, thiếu chỉ đạo xử lý dứt điểm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp.
Những hạn chế trên ngoài nguyên nhân khách quan thì chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan đó là thiếu sự kiên trì, kiên quyết, linh hoạt đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, tìm mọi cách tháo gỡ, thúc đẩy phát triển; hiện tượng né tránh, sợ trách nhiệm của một số cấp, ngành, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chưa thể hiện rõ; bệnh trì trệ vẫn tồn tại và kéo dài chưa có cách tháo gỡ, nhất là cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút các dự án động lực đầu kéo cho sản xuất theo chuỗi giá trị.
Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang dồn sức hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị năm 2020 và đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống và thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là kỳ họp thường kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XVII (2016 - 2021) là kỳ họp cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX thành các nghị quyết của HĐND với các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện năm đầu nhiệm kỳ 5 năm 2020 - 2025, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phải hành động quyết liệt, tạo đà cho cả nhiệm kỳ, do vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo chương trình kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các nhóm vấn đề sau:
Một, xem xét, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 và thống nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn về phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn và thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 và bản lề cho cả kỳ kế hoạch năm năm.
Xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Vũng Áng. Ảnh: Thu Trang
Hai: Xem xét và thông qua các tờ trình và quyết nghị các cơ chế, chính sách quan trọng, trong đó có một số nội dung chủ yếu như: Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025; nhiều chính sách về lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thống nhất kéo dài một số chính sách để tiếp tục thực hiện đến khi ban hành chính sách mới, đặc biệt là chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong khi chờ phê duyệt đề án tỉnh thí điểm đạt chuẩn nông thôn mới vào 2025 của Chính phủ. Ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 156 của HĐND tỉnh về mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố và một số chính sách quan trọng khác.
Một góc NTM xã Tùng Ảnh (Đức Thọ). Ảnh: Thanh Hải
Ba: Xem xét và cho ý kiến báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo kết quả hoạt động của Toà án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự; báo cáo kết quả thực hiện các nội dung chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay; báo cáo giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 18; báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về hoạt động giám sát, xây dựng chính quyền.
Bốn: Xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND và các ban tỉnh.
Năm: HĐND tỉnh sẽ dành thời gian phù hợp để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn theo các lĩnh vực, nhóm vấn đề mà các đại biểu HĐND đề xuất và cử tri quan tâm.
Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII là lần thứ 2 Hà Tĩnh đã tiến hành “Kỳ họp không giấy”.
Tại phiên khai mạc, HĐND tỉnh thực hiện quy trình kiện toàn các chức danh của HĐND và UBND tỉnh sau Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX. Việc bầu cử các chức vụ chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh lần này có ý nghĩa quan trọng, để đảm bảo sự chuyển giao liên tục, kế thừa để ổn định và kịp thời đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các Nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Để hoàn thành tốt nội dung, chương trình kỳ họp, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND phát huy cao dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, với tinh thần, trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân tỉnh nhà; tập trung nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia thảo luận và chất vấn sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng để kỳ họp đạt kết quả cao nhất.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, HĐND tỉnh mong muốn cử tri và Nhân dân tỉnh nhà dành thời gian quan tâm theo dõi, tham gia ý kiến, góp phần vào thành công của kỳ họp.
HĐND tỉnh mong muốn cử tri và Nhân dân tỉnh nhà quan tâm theo dõi, tham gia các ý kiến qua đường dây nóng (02393.693282) hoặc thư điện tử qua địa chỉ: [email protected]. |