Chị T.H (ngụ Tây Ninh), một nạn nhân trở về từ Campuchia, kể lại: "Các đối tượng trên mạng xã hội dụ dỗ em sang Campuchia làm ăn với nguồn thu nhập từ 12 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng. Em đã giấu gia đình vượt đường tiểu ngạch qua biên giới Camuchia đề tìm việc làm.
56 người chạy thoát đang được tạm giữ ở cửa khẩu Bavet (ảnh cắt từ clip).
Bên đó, bọn chúng giam giữ, đánh đập em cùng các bạn gái khác. Sau đó, bọn chúng đem từng đứa qua công ty bán, đầu tiên bán em với giá 2.500 USD. Lúc đó, gia đình em chưa chạy tiền kịp nên bắt em bán cho chỗ khác. Sau đó, gia đình em phải bỏ hơn 120 triệu đồng gửi sang chuộc thân thì em mới được trở về nhà".
Mới đây, lúc 22h ngày 14/9, Công an thị xã Trảng Bàng kiểm tra hành chính một nhà nghỉ thuộc ấp Bình Quới, xã Phước Bình. Tại đây, Công an phát hiện V.T (SN 1982, ngụ Bắc Ninh), L.V.H (SN 1994, ngụ Nghệ An) và N.H.A (SN 2002, ngụ Nam Định) đang lưu trú, chuẩn bị xuất cảnh trái phép qua Campuchia. Cả ba khai nhận, do cần tìm việc làm nên đã vào các trang mạng xã hội tìm kiếm việc làm ở Campuchia. Sau khi liên lạc xong, các đối tượng trên mạng xã hội đã hướng dẫn T, H. và A. cách thức đến tỉnh Tây Ninh, thuê chỗ nghỉ gần khu vực biên giới để thuận tiện cho việc xuất cảnh trái phép.
Trước đó, Công an huyện Gò Dầu đã hỗ trợ đưa 2 nạn nhân, gồm: Nguyễn Thị Minh P. (SN 2006) và Nguyễn Văn B. (SN 2007, cùng ngụ tỉnh Thái Nguyên) trở về quê an toàn. Cả hai bị lừa sang Campuchia làm việc. P. và B. đăng bài trên mạng Facebook để tìm kiếm việc làm có thì có đối tượng nữ tên V. (chưa rõ danh tính) vào bình luận giới thiệu việc làm. Đối tượng dụ dỗ các nạn nhân đánh máy tính với mức lương 23 triệu/tháng ở Campuchia (cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 300m), nên cả hai đồng ý.
Cả hai được đối tượng khác giới thiệu người quen V. đặt mua vé máy bay đưa từ TP Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, rồi đưa xe đến gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để thuê phòng nghỉ lại qua đêm, chờ người dẫn sang Campuchia làm việc. Cùng đi với P. và B. có thêm 3 thiếu niên khác.
Trong thời gian nghỉ lại ở khách sạn, cả nhóm được người dân địa phương nhắc nhở và đưa ra dẫn chứng một số trường hợp bị lừa đảo làm việc ở Campuchia. Do vậy, cả nhóm bỏ trốn thì lạc mất nhau. P. và B. không liên lạc được với 3 nạn nhân khác, nên đến Công an nhờ giúp đỡ. Công an huyện Gò Dầu xác định, P. và B. là những nạn nhân bị lừa đảo tìm kiếm việc làm, để xuất cảnh trái phép sang Campuchia.
Thời gian qua, Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ nhiều vụ xuất cảnh trái phép và giải cứu nhiều nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia. Bằng thủ đoạn “việc nhẹ lương cao”, nhiều trường hợp đã bị lừa bán, ép buộc làm việc phi pháp. Khi không đạt theo yêu cầu của chủ các công ty, sòng bạc thì họ sẽ bị bán cho chủ khác hoặc bị đánh đập dã man. Nếu muốn được thả về thì phải liên lạc với gia đình để chuyển tiền sang chuộc.
Sihanoukville đang phất lên từ các dự án nước ngoài
Chiều 18/9, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết đang phối hợp cùng các đơn vị khác và lực lượng chức năng Campuchia để xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch 56 người chạy thoát khỏi casino ở Campuchia. Những trường là công dân Việt Nam thì sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác để bảo hộ, hỗ trợ họ nhập cảnh về nước theo quy định.
Như Báo CAND đã đưa tin, lúc 14h30 ngày 17/9, tại khu vực tòa nhà chung cư kinh doanh đánh bạc online (thuộc một Casino khu vực Mộc Bài) do người Trung Quốc làm chủ ở ấp Bavet Kandal, phường Bavet, TP Bavet, tỉnh Svay Rieng (Campuchia) có khoảng 60 người lao động tháo chạy về phía đồn cửa khẩu Bavet về hướng cửa khẩu Mộc Bài, thuộc huyện Bến Cầu (Tây Ninh) giữa cơn mưa to.
Nhiều người bỏ giày dép, chạy chân không. Nhiều người trong số đó bị ngã túi bụi, phải dìu dắt nhau chạy thoát thân. Tuy nhiên, chỉ có 56 người chạy thoát khỏi casino và được tiếp nhận ở cửa khẩu, 4 người bị bắt giữ trở lại.