Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc BQL Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 Nguyễn Hải Thanh chủ trì hội thảo.
Đánh giá tác động môi trường, xã hội hạ lưu tràn xã lũ và lòng dẫn Khe Trí, công trình đầu mối hồ chứa nước Ngàn Trươi, tỉnh Hà Tĩnh do Bộ NN&PTNT và BQL Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 (Ban 4) chủ trì nghiên cứu, thực hiện từ năm 2008.
Đến nay, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về thủy lợi đã thu thập số liệu thủy văn; điều tra hiện trạng các mốc cảnh báo lũ, lập và phân tích các tình huống xả lũ và vỡ đập; tính toán ngập lụt hạ du với tần suất xả lũ thường xuyên 10%, 5%… Từ kết quả điều tra, khảo sát, bước đầu đưa ra những dự báo, cảnh báo về những tác động môi trường, xã hội hạ lưu tràn xả lũ hồ chứa nước Ngàn Trươi.
Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang là công trình trọng điểm, đa mục tiêu, phục vụ phát triển KTXH của tỉnh Hà Tĩnh.
Theo các nhà khoa học, ngoài những mặt tích cực của dự án, thì việc chuyển nước từ lưu vực sông Ngàn Trươi sang lưu vực suối Khe Trí sẽ có tác động lớn đến sự biến đổi của chế độ thủy văn, thủy lực, biến hình lòng dẫn trên dọc suối Khe Trí. Trong đó, vấn đề quan tâm là việc vận hành công trình xã lũ trong quá trình dẫn dòng thi công và vận hành công trình sẽ gây ra những tác động như thế nào cho lòng dẫn Khe Trí cũng như vùng hạ du.
Phó Cục trưởng Cục Qản lý xây dựng công trình, Giám đốc BQL Ban 4 Nguyễn Hải Thanh: Cần tiếp tục đánh giá kỹ hơn về tác động của việc xả lũ; xây dựng kịch bản, phương án xả lũ, di dời dân vùng ngập lụt...
Theo các chuyên gia thủy lợi, các tác động có lợi cũng như bất lợi khi chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực khác đã cho chúng ta nhiều bài học trong thời gian vừa qua. Với lòng dẫn Khe Trí nhỏ, hẹp, dốc, cấu tạo địa chất phức tạp, không hoàn toàn là đá gốc thì việc xã lũ lưu lượng lớn có khả năng gây sạt lở, sạt trượt 2 bên lòng suối, từ đó có thể gây mất an toàn công trình.
Từ những phân tích về tác động bất lợi, các chuyên gia kiến nghị cần có giải pháp ổn định lòng dẫn Khe Trí tại các vị trí co hẹp, đặc biệt là mở rộng lòng dẫn tại eo thắt số 5, phía trước đoạn kênh dẫn vào Khe Trí; hoặc bằng giải pháp giảm độ dốc thủy lực trên toàn bộ Khe Trí.
Xem xét nâng cấp đập Khe Cấy để tránh sự cố tràn hồ Ngàn Trươi khi vận hành. Cắm mốc cảnh báo phạm vi ảnh hưởng của xả lũ hồ Ngàn Trươi với lòng dẫn Khe Trí. Nghiên cứu tác động tổng thể của hồ Ngàn Trươi và dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang với lưu vực.
Hệ thống kênh dẫn công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang
Tại hội thảo, các nhà khoa học và đại diện các sở ngành tỉnh Hà Tĩnh cũng thống nhất cần tiếp tục đánh giá kỹ hơn về tác động của việc xả lũ; xây dựng kịch bản, phương án xả lũ, di dời dân vùng ngập lụt. Đặc biệt, phải tính toán, xây dựng được bản đồ ngập lụt hạ du trong tình huống xả lũ hoặc vỡ đập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đánh giá cao những kết quả khảo sát, điều tra, lập dự báo, cảnh báo… của nhóm nghiên cứu. Đây là công trình khoa học có giá trị, ý nghĩa lớn trong thực tiễn, giúp cho việc phòng chống lụt bão, ứng phó với thiên tai hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn lưu ý cần xây dựng kịch bản chi tiết cho từng mức ngập lũ, thông báo rộng rãi cho người dân vùng ảnh hưởng, đặc biệt chú trọng việc đảm bảo mức độ an toàn cho người dân, các công trình vùng hạ du, hạng mục công trình của dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang; thông tin đầy đủ các kịch bản, tình huống xả lũ để người dân biết.