Chiều 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) và việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào mẫu hộ chiếu. Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận tại Tổ số 5 gồm ĐBQH các tỉnh: Hà Tĩnh, Sơn La, Đắk Nông, Bình Thuận. |
Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu, các đại biểu khẳng định, Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Sửa đổi Luật Đấu thầu là cần thiết trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, một số quy định của Luật Đấu thầu chưa phù hợp dẫn đến khó khăn trong lựa chọn nhà thầu, nhất là trong trường hợp cấp bách, phòng chống dịch bệnh, xây dựng công trình khẩn cấp; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài; tình trạng tham nhũng, gian lận, tiêu cực, thông đồng trong đấu thầu vẫn diễn biến phức tạp…
Theo đó, các đại biểu thống nhất việc sửa đổi Luật Đấu thầu là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đấu thầu; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Chế tài xử lý sai phạm chưa đầy đủ, chưa đủ sức răn đe trong hoạt động đấu thầu.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng và các đại biểu đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu, phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu; quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, yêu cầu đối với gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, đặc thù và trường hợp cấp bách; đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có quy định cụ thể hơn.
Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu thảo luận.
Đối với dự án Luật Giá (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, sau gần 9 năm thực thi, các quy định tại Luật đã tạo khung pháp lý cho công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường, hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh...
Tuy nhiên, Luật còn có một số vướng mắc như: vai trò, giới hạn phạm vi quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong vận hành kinh tế cần được nghiên cứu, hoàn chỉnh; nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tế liên quan đến phân công, phân cấp; thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý chưa quy định đầy đủ, rõ ràng, cản trở hoạt động một số lĩnh vực.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Nghiên cứu bổ sung đồng bộ “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh, chứ không phải bổ sung vào mỗi hộ chiếu.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; khắc phục những tồn tại hạn chế, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành, các đại biểu tán thành cao sự cần thiết sửa đổi Luật Giá.
Phát biểu thảo luận về một số nội dung của dự án Luật Giá, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc quy định các phương pháp thẩm định giá tại Luật Giá và pháp luật chuyên ngành sẽ làm khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện thẩm định giá, nhiều trường hợp không biết áp dụng quy định tại luật nào.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đề nghị rà soát các pháp luật chuyên ngành để bổ sung quy định thống nhất, cụ thể tiêu chuẩn thẩm định giá và các phương pháp thẩm định giá vào Luật Giá (sửa đổi); gộp các nội dung khoản 3, khoản 4, khoản 5, thành “Công khai thông tin, kê khai giá, niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định pháp luật” tại điều 56 và đề nghị sửa cụm từ “Luật Xử lý vi phạm hành chính” thành “pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” tại điểm c, khoản 1 vì ngoài Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc quy định trường hợp đình chỉ kinh doanh còn được quy định tại các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã góp ý vào tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin nơi sinh trên hộ chiếu.