Đất quốc phòng ở Kỳ Anh bị "xẻ thịt" để trục lợi

Vài năm gần đây, Kỳ Anh thu hút đầu tư nhiều dự án lớn nên các vùng lân cận KKT Vũng Áng như một công trường ngổn ngang về khai thác, vận chuyển đất đá, vật liệu. Bên cạnh các mỏ vật liệu được UBND tỉnh cấp phép, rất nhiều quả đồi trên địa bàn Kỳ Anh đã bị các cá nhân ngang nhiên khai thác đất, đá đi bán trong khi chính quyền vẫn cứ làm ngơ như không hề hay biết! Nghiêm trọng hơn, đến cả khu đất quốc phòng ở khu vực Đèo Con cũng bị “xẻ thịt” không thương tiếc!

Khu vực Đèo Con nằm giữa xã Kỳ Phương và Kỳ Nam là thành luỹ vững chắc che chắn gió bão, sóng biển, triều cường cho nhân dân trong vùng và bảo vệ vững chắc cho tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 1A. Với địa thế một bên là biển, một bên là núi đã tạo nên vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong thế trận an ninh quốc phòng nên khu đất này được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận QSD đất số V777440 ngày 3/9/2003 cho Bộ CHQS Hà Tĩnh quản lý (diện tích cấp là 352.115,0ha nhưng năm 2009 đo đạc lại thì diện tích thực tế là 236.679,1 ha). Thế nhưng, không thể tưởng tượng nổi, cả quả đồi Đèo Con thuộc đất quốc phòng và một phần thuộc đất xã Kỳ Phương đã bị đào bới tan hoang. Hàng chục nghìn m3 đất đã bị khai thác trái phép đem bán cho các công trình san lấp mặt bằng ở Kỳ Anh và cả ở Quảng Bình.

Những quả đồi chiến lược đã bị đào khoét nham nhở
Những quả đồi chiến lược đã bị đào khoét nham nhở

Từ quốc lộ 1A, một con đường được mở rộng qua ngọn núi rồi kéo dài xuống "mỏ" đất và gần tận mép biển để khai thác đất trái phép. Núi ở hai bên đường đã bị đào bới sâu hoẳm, nhiều nơi bị đào nham nhở tạo thành những ta-ly cao đến 4-5 m. Núi bị xẻ, gặp mưa nên sụt lở nhiều đoạn. Vùng đồi núi được xem như thành luỹ vững chắc này đã bị san phẳng gần hết, trông thật tan hoang. Cạnh đó, phía sườn núi đã phát dọn cây cối sạch sẽ, có thể cũng sẽ đến lượt bị “móc ruột” trong một ngày không xa!

Giải thích cho việc tư nhân ngang nhiên đào đất quốc phòng đi bán này, ông Trần Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương cho biết: “Do BCH QS huyện Kỳ Anh hợp đồng cho anh Lê Văn Hạnh (công dân xã Kỳ Phương) san đất quốc phòng làm trường bắn nên ông Hạnh đã tổ chức đào đất đi bán”. Ông Lê Hữu Luân - Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Kỳ Anh thừa nhận: “Chúng tôi có thuê anh Hạnh san đất quốc phòng này làm trường bắn nhưng anh Hạnh đã làm sai vị trí”. Khi hỏi: “Vùng này có được cấp có thẩm quyền quy hoạch làm trường bắn không mà Ban CHQS Kỳ Anh lại đi thuê cá nhân san làm mặt bằng thì ông Luân trả lời là không!

Vùng đất này không được quy hoạch làm trường bắn nhưng không hiểu vì sao BCH QS huyện Kỳ Anh lại thuê cá nhân vào san mặt bằng
Vùng đất này không được quy hoạch làm trường bắn nhưng không hiểu vì sao BCH QS huyện Kỳ Anh lại thuê cá nhân vào san mặt bằng

Trên thực tế, vùng đất này hoàn toàn không được quy hoạch làm trường bắn mà chỉ là vùng đất quốc phòng, cần được giữ gìn , bảo vệ nguyên vẹn vì nó có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Thế nhưng, từ “hợp đồng” của BCH QS huyện Kỳ Anh, Lê Văn Hạnh đã thừa cơ lợi dụng tổ chức đào hàng trăm nghìn m3 đất đi bán, thu tiền một cách bất chính.

Trao đổi với chúng tôi, một số người dân bức xúc vì từ khi núi đất này bị khai thác, dòng chảy tự nhiên bị đảo lộn nên khi lũ về đã cuôn đất đá vào tấp đầy vườn một số hộ dân khiến họ không thể canh tác được. Nhiều người bảo rằng, biết họ khai thác đất trái phép là trái pháp luật nhưng nếu khai thác để phục vụ các công trình trên địa bàn thì còn có thể chấp nhận. Đằng này, họ khai thac đi bán tận Quảng Bình thì không thể chấp nhận được.

Biển vẫn thế mà đồi đã... nát
Biển vẫn thế mà đồi đã... nát

Để tìm hiểu thực tế thông tin này, mới đây PV Hà Tĩnh Online đã phục kích và tận mắt chứng kiến hàng chục chuyến xe chở đất từ mỏ đất này chạy vào hướng Quảng Bình. Điều này có nghĩa rằng, không những đất quốc phòng bị khai thác ngang nhiên mà còn bị “chảy” ra khỏi tỉnh, trong khi nhiều công trình của tỉnh ta đang rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn đất này.

Một quả đồi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng và che chắn triều cường, sóng biển bị tư nhân ngang nhiên tổ chức đào đất đi bán hàng tháng trời, nay nát tan như bom dội nhưng thật vô lý là chưa có ai quan tâm. Một người dân ở xã Kỳ Phương khẳng định: “Họ làm ngày làm đêm với máy đào, máy xúc, ngay sát bên quốc lộ 1A, có nhắm mắt cũng thấy chứ đừng nói là cán bộ không biết”.

Người dân địa phương cũng hoài nghi về việc chính quyền và một số đơn vị liên quan bao che để các cá nhân tự tung tự tác, phá nát cả một vùng đất quốc phòng vừa làm thất thoát tài nguyên tài nguyên quốc gia vừa thu lợi bất chính. Việc làm tày trời diễn ra ngay bên quốc lộ 1A giữa thanh thiên bạch nhật hàng tháng trời nhưng các cơ quan liên quan và chính quyền huyện Kỳ Anh vẫn không biết là điều cần đặt dấu hỏi?!

Đọc thêm

“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh trộm xe máy

Từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh trộm xe máy

Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vừa ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đỗ Hoàng Vĩnh (Quảng Bình) về tội trộm cắp tài sản.
Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật tuần (từ 2-8/11)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật tuần (từ 2-8/11)

Đột nhập trộm cắp lúc rạng sáng, 2 đối tượng bị khởi tố; cố băng qua đường tàu, người đàn ông bị tàu hỏa đâm tử vong; liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn xe container trên quốc lộ 1; Công an Hà Tĩnh đột kích diện rộng, phá đường dây buôn vũ khí liên tỉnh lớn chưa từng có … là những thông tin chính sẽ có trong bản tin Podcast hôm nay của Báo Hà Tĩnh.