Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh về những dấu ấn của đoàn trong một nhiệm kỳ hoạt động.
- Quốc hội khóa XIII đã tạo được những dấu ấn nổi bật trong một nhiệm kỳ hoạt động. Trong thành công chung đó có sự đóng góp quan trọng của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh và các vị đại biểu dân cử tỉnh nhà. Ông có thể cho biết cụ thể hơn?
Ông Trần Tiến Dũng: Trước hết, về công tác lập pháp, trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND, ủy ban MTTQ các cấp và các cơ quan, đơn vị tổ chức 45 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề gắn với lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật; tổ chức các đợt lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và các chuyên gia về dự thảo Hiến pháp năm 2013 và trên 100 dự án luật. Các ý kiến đều được tổng hợp, kịp thời gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các ủy ban liên quan và các đại biểu trong đoàn để nghiên cứu và phục vụ thảo luận tại các kỳ họp...
Phó trưởng đoàn ĐBQH Trần Tiến Dũng thay mặt đoàn Hà Tĩnh tham gia phát biểu ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) |
Về hoạt động giám sát, đoàn đã tổ chức giám sát, khảo sát được 35 cuộc, trong đó, có 16 cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hầu hết nội dung các cuộc giám sát đều là những chính sách lớn, mang tầm vĩ mô, được cử tri cả nước quan tâm. Ngoài ra, các đại biểu với tư cách là thành viên của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan, các ủy ban của Quốc hội cũng đã tích cực tham gia đoàn giám sát, khảo sát, làm việc ở địa bàn Hà Tĩnh và nhiều địa phương khác trong cả nước...
Về hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp của Quốc hội, đoàn đã phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 364 cuộc tại các cơ sở, thôn xóm và xã, phường, thị trấn với hơn 528.000 lượt cử tri tham dự. Ngoài ra, đoàn cũng đã tổ chức 45 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề gắn với lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo luật tại các cơ quan tư pháp, khối mặt trận, đoàn thể các cấp, khối doanh nghiệp và một số ngành khác.
Thông qua hoạt động này đã tiếp nhận được 5.450 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản. Kết thúc các đợt tiếp xúc, đoàn đã tổng hợp theo từng nhóm ý kiến, phân loại theo thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Theo đó, đã có 267 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, 625 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương đã được gửi đến các địa chỉ cụ thể để yêu cầu xem xét, giải quyết...
Tính từ kỳ họp thứ nhất đến nay, đoàn đã tiếp nhận 587 đơn thư của công dân, trong đó, đã xem xét và chuyển 327 đơn cho các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết, số còn lại thuộc loại trùng lặp về nội dung hoặc đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết, ra quyết định cuối cùng. Đoàn cũng đã tổ chức giám sát việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở lĩnh vực hành chính của một số cơ quan nhà nước và UBND một số huyện, xã, phường. Qua hoạt động giám sát, đã kiến nghị nhiều nội dung, yêu cầu chỉ đạo khắc phục những bất cập, hạn chế...
- Nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất từ trước đến nay cụ thể những kết quả đó như thế nào thưa ông?
Ông Trần Tiến Dũng: Tại các kỳ họp, ĐBQH đã bố trí hợp lý chương trình công tác để tham gia đầy đủ các phiên họp, những hoạt động khác của đoàn và các cơ quan của Quốc hội tổ chức; tập trung nghiên cứu tài liệu để tích cực tham gia phát biểu tại các buổi thảo luận về nội dung của kỳ họp. Theo đó, tại các buổi thảo luận, đã có trên 650 lượt ý kiến của đại biểu trong đoàn. Ngoài ra, còn có một số ý kiến được gửi bằng văn bản cho đoàn thư ký và câu hỏi chất vấn bằng văn bản được gửi đến Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng, trưởng ngành...
Các vị đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc với cử tri thị xã Hồng Lĩnh. |
Ngoài chương trình kỳ họp, đoàn đã tranh thủ thứ bảy, chủ nhật và sau giờ làm việc hàng ngày để cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức làm việc với 105 đơn vị, bộ, ban, ngành, tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan ngoại giao ở Hà Nội, các nhà đầu tư trong, ngoài nước, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố.
Tại các cuộc làm việc, đoàn đã báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KT-XH, QPAN; tiến độ các công trình, dự án trọng điểm; tình hình nông nghiệp, nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện chính sách xã hội và đảm bảo an sinh xã hội; tình hình cải cách hành chính; kết quả xúc tiến đầu tư, hợp tác thương mại. Qua đó, đoàn đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan giúp tỉnh tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trước mắt để tiếp tục thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới...
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.