Bác sĩ Đinh Thế Tiến - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, rượu làm giảm lượng glucose trong máu dẫn tới chóng mặt ở người say rượu. Uống rượu, bia khiến bạn mệt mỏi, mất nước nên càng nôn nao, đau đầu. Khi uống rượu, gan sẽ phải làm việc cật lực để chuyển hóa và đào thải ethanol. Sử dụng paracetamol vô tình sẽ làm tăng gánh nặng chuyển hóa đối với gan và gây tình trạng ngộ độc paracetamol. Bên cạnh đó, paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa, làm tăng gấp đôi tác hại lên gan.
Ngoài ra, paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt, uống theo chỉ định và liều lượng. Thuốc chống chỉ định với người có bệnh lý cấp tính về gan (viêm gan virus đang giai đoạn cấp tính, đang điều trị tổn thương gan cấp tính do mọi nguyên nhân...). Bệnh nhân có bệnh lý về gan nhưng không trong giai đoạn cấp tính, phải giảm liều và giảm cả thời gian dùng thuốc. Chưa kể, uống rượu quá nhiều dẫn đến bệnh lý gan như viêm gan, xơ gan. Nếu bạn thường xuyên uống rượu, bia, chỉ cần dùng với liều paracetamol thông thường cũng có thể gây hại.
Dùng quá liều paracetamol giảm đau đầu sau khi uống rượu bia có thể gây tổn thương và ngộ độc gan.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì cho rằng, uống thuốc giảm đau để khống chế cơn đau đầu, khó chịu sau những chầu nhậu là sai lầm.
Các bác sĩ khuyên không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic, paracetamol, aspirin… để làm giảm đau đầu khi say.
Paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa, làm tăng gấp đôi tác hại lên gan.
Rượu bia là thức uống gây hại cho sức khỏe, người dân nên hạn chế sử dụng. Ảnh minh họa.
Cách hạn chế cơn đau đầu sau uống rượu bia
BS. Đinh Thế Tiến khuyến cáo, khi bị đau đầu do rượu, bia, bạn nên tìm cách khác để giảm đau như uống nhiều nước lọc, nước gừng và chất điện giải để giúp đào thải nhanh chất cồn khỏi cơ thể.
Không nên để bụng đói trước khi uống khiến cơ thể hấp thụ rượu nhanh và dễ say hơn.
Sau khi uống rượu, bạn nên ăn cháo loãng hoặc súp nóng để bổ sung muối natri và kali, giúp cơ thể hồi phục nhanh.
Chuyên gia chống độc Nguyễn Trung Nguyên tư vấn, nếu người say vẫn nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Người uống rượu thường ít ăn, chỉ uống cho tới khi bị rơi vào tình trạng ngộ độc, rất dễ bị hạ đường huyết. Vì vậy, lựa chọn thức ăn có chứa tinh bột, đường là cách giúp đưa đường huyết của cơ thể về mức an toàn.
Thực tế đã có những bệnh nhân sau khi uống say về ngủ luôn không ăn gì và bị hạ đường huyết. Sáng hôm sau, khi người nhà đánh thức, bệnh nhân đã tử vong.
Loại thực phẩm nên cho bệnh nhân say rượu dùng là thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai. Ngoài ra, có thể uống nước đường, sữa, nước canh, nước mật ong hoặc oresol . Một số thức ăn dễ tiêu giúp cho người say nhanh chóng giải rượu như cháo loãng, bún, phở…