Liên quan tới việc hàng loạt người dân tại xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) nghi mắc HIV, lãnh đạo Sở Y tế Phú Thọ cho hay từ tháng 2 đến tháng 6, trên địa bàn xã này đã có 2 bệnh nhân nhiễm HIV qua đời, 4 người nhiễm mới.
Bác sĩ Lương Trường Sơn, nguyên Viện phó Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, phụ trách phòng khám da liễu Đồng Diều, cho biết khi bị nhiễm virus HIV, người bệnh sẽ phải trải qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên là nhiễm trùng cấp tính, thường từ 2-6 tuần sau khi tiếp xúc hoặc bị lây nhiễm. Lúc này, người bệnh có một vài triệu chứng sớm để nhận biết.
Giai đoạn thứ 2, người bệnh không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào. Giai đoạn này kéo dài, thậm chí nhiều năm. Ở giai đoạn cuối, người bệnh chuyển sang AIDS với nền tảng suy giảm miễn dịch nặng, với rất nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Trong đó, giai đoạn đầu tiên còn được gọi là cửa sổ. Vì vậy, người bệnh có thể nhận biết tình trạng bất thường của cơ thể dựa vào một số dấu hiệu sớm như sốt, mệt mỏi, đau nhức người, đau họng, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy... để nghĩ tới khả năng phơi nhiễm HIV.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Hà (Khoa Nội - Bệnh viện 09 - Hà Nội), phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.
Khi có nguy cơ phơi nhiễm HIV, cần điều trị phơi nhiễm sớm trong vòng 72 giờ đầu. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Để biết kết quả chính xác nhất một người có bị HIV hay không ngay sau hành vi có nguy cơ lây nhiễm cần phải tiến hành xét nghiệm. Tuy nhiên, cách này lại phải chờ lâu mới có kết quả.
Do đó, để tránh khả năng dương tính với căn bệnh, tốt nhất nên điều trị phơi nhiễm trong vòng 72 giờ đầu ngay sau khi có hành vi nguy cơ như bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm; vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn chọc, đâm vào gây chảy máu; bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng); quan hệ với người nhiễm HIV,…
Bác sĩ Hoàng Hải Hà thông tin thêm phác đồ điều trị phơi nhiễm HIV kéo dài một tháng. Sau đó, bệnh nhân được xét nghiệm lại sau 3 và 6 tháng.
Việc điều trị thuốc chống phơi nhiễm có thể điều trị tại nhà, nhưng cần theo dõi rất kỹ các vấn đề xảy ra, cần đến các cơ sở y tế ngay khi có các biến chứng. Việc đáp ứng thuốc cũng như biến chứng từ thuốc phụ thuộc vào cơ địa từng người phản ứng lại với thuốc ra sao.
Người điều trị có thể chỉ bị tác động rất nhẹ như ngứa thoảng qua, gặp ác mộng nhưng cũng có thể rất nặng nề như bị bỏng loét toàn thân, bỏng da, sốt, bỏng nước, nặng hơn như suy hô hấp, trụy tim mạch, suy tủy.
Những tác dụng phụ này còn phụ thuộc vào từng loại thuốc phơi nhiễm. Hiện nay, rất nhiều loại thuốc điều trị phơi nhiễm nhưng tùy vào xét nghiệm của các cá nhân cũng như bệnh lý, tình trạng của từng người để có loại thuốc điều trị phù hợp. Mỗi một loại sẽ có những phản ứng phụ khác nhau.
Chi phí thuốc điều trị phơi nhiễm vẫn được nhà nước bảo trợ, nếu bệnh nhân tự mua, giá dao động từ 1,1-1,7 triệu đồng. Khi có hành vi nguy cơ, mọi người có thể đến tất cả trung tâm y tế dự phòng của các tỉnh hoặc quận huyện để được điều trị phơi nhiễm sớm nhất.