Công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam của Hà Tĩnh được các bộ, ngành, chủ đầu tư đánh giá cao. Tuy giành được nhiều kết quả tích cực, song, do khối lượng các phần việc tiếp theo còn lớn, có những lĩnh vực đã và dự báo sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc, thì bên cạnh sự tập trung của các cấp, ngành trong việc phối hợp tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn” còn cần sự ủng hộ hơn nữa của người dân như họ đã từng thể hiện thời gian qua.
Các địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua đều đã cơ bản hoàn thành việc kiểm đếm, áp giá đền bù, thống nhất phương án bồi thường đất nông nghiệp, trong đó có các huyện Đức Thọ, Can Lộc, TX Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh đã tiến hành chi trả kinh phí GPMB đợt 1 cho các hộ dân; những địa phương còn lại đang nỗ lực đẩy nhanh các thủ tục để chi trả. Tuy nhiên, để đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT thì khối lượng công việc còn lại không phải là ít, nhất là trong vấn đề áp giá, chi trả đền bù đất ở; việc bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ dân phải di dời; vấn đề di dời hạ tầng điện, cáp viễn thông…
Dù phần diện tích còn lại lớn hơn 75m2 và tái định cư tại chỗ nhưng ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Hải, thôn Thống Nhất, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên nằm trong hành lang ATGT cao tốc nên không thể xây dựng nhà mới.
Miếng đất có diện tích 330 m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Hải (SN 1970, thôn Thống Nhất, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên) thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án. Khác với những gia đình bị thu hồi toàn bộ diện tích đất ở và được bố trí TĐC thì phần đất của ông Hải chỉ bị thu hồi một nửa, phần diện tích còn lại lớn hơn 75 m2 nên gia đình vẫn đủ điều kiện TĐC tại chỗ. Tuy nhiên, phần diện tích còn lại của gia đình ông Hải lại nằm trong hành lang ATGT của tuyến cao tốc Bắc - Nam nên theo quy định thì không được xây dựng công trình kiên cố. Điều này có nghĩa là gia đình ông Nguyễn Văn Hải không được xây dựng nhà ở tại phần đất còn lại, trong khi cũng chưa đủ điều kiện bố trí TĐC.
“Gia đình luôn đồng thuận ủng hộ triển khai dự án, tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn chính quyền sớm có phương án xử lý để gia đình yên tâm sinh sống, làm ăn lâu dài” - ông Hải chia sẻ.
Một số hộ dân ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên có công trình nhà cửa nằm trong hành lang ATGT cao tốc Bắc Nam.
Theo ông Đặng Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn dài 2,5 km, ảnh hưởng tới nhà, đất ở của 62 hộ, ảnh hưởng đất nông nghiệp của 238 hộ. Tới nay, công tác kiểm đếm các loại đất nằm trong phạm vi GPMB dự án đã hoàn thành. Xã đã quy hoạch vị trí ở thôn Thống Nhất để xây dựng khu TĐC. Tuy nhiên, hiện xã đang gặp khó trong việc xác định đối tượng đủ điều kiện TĐC đối với 7 hộ dân và trường hợp của gia đình ông Hải là một trong số đó.
...
Theo tìm hiểu, trường hợp các gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam với phần còn lại ngoài mốc có diện tích lớn hơn 75 m2 nhưng hình thể xiên xẹo, tam giác, gần mố cầu vượt, hầm chui, hoặc không có lối đi ra đường giao thông công cộng… thì rất khó khăn xây dựng nhà TĐC tại chỗ. Những trường hợp như vậy xảy ra ở hầu hết các địa phương có tuyến cao tốc đi qua. Điều này khiến các hộ gia đình, cá nhân ảnh hưởng bởi dự án cao tốc băn khoăn, lo lắng. Đáng mừng là sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, người dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án cao tốc Bắc - Nam cơ bản đồng thuận, ủng hộ chủ trương triển khai dự án và sẵn sàng nhường đất để dự án được triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, cũng còn hộ dân băn khoăn về cơ sở hạ tầng TĐC, nhất là việc làm sau khi ra nơi ở mới và mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ để tháo gỡ.
Nằm phía trước căn nhà gia đình anh Nguyễn Bá Nguyên (SN 1981, thôn Thượng Lội, xã Quang Lộc) là cao tốc, còn phía sau là núi cao nên gần như không thể ra vào khi cao tốc hoàn thành.
“Năm 2017, tôi mua miếng đất diện tích 160 m2 bám tỉnh lộ 553 với giá gần 700 triệu đồng, sau đó xây dựng nhà gắn với cửa hàng buôn bán, sửa chữa xe máy. Đây cũng là nguồn thu nhập để nuôi 7 thành viên trong gia đình. Biết tin căn nhà nằm trong phạm vi GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi sẵn sàng nhường đất để triển khai dự án. Song, mong muốn lớn nhất là chính quyền địa phương có thể bố trí điểm TĐC tương tự nơi gia đình đang sinh sống để khi ra nơi ở mới còn có kế sinh nhai hoặc nếu không tìm được vị trí thích hợp thì đền bù với mức thỏa đáng để gia đình tự chủ động tìm kiếm địa điểm phù hợp” - ông Đặng Đình Quang (SN 1978, thôn Kỷ Các, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà), 1 trong 11 hộ nằm dọc tỉnh lộ 553, phải di dời TĐC do ảnh hưởng dự án cao tốc Bắc - Nam chia sẻ.
....
Cũng theo thống kê, để triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam, Hà Tĩnh cần di dời 784 cột điện, cột viễn thông với 77.351m dây các loại. Tuy nhiên, việc thực hiện di dời đường điện được giao cho các địa phương lại cần có chuyên môn, chuyên ngành với nội dung liên quan đến nhiều cấp quản lý từ Trung ương (đường điện 110 kV, 220 kV, 500 kV) đến địa phương (đường điện 0,4 kV).
Việc di dời công trình, hạ tầng kỹ thuật trên tuyến cao tốc bắc – Nam, trong đó có hệ thống đường điện đòi hỏi sự vào cuộc của các đơn vị liên quan như điện lực, viễn thông.
“Địa phương được giao làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, GPMB, TĐC, bao gồm cả nội dung di dời đường điện, hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, đây là công trình có yêu cầu cao về kỹ thuật, trong khi đó, lực lượng cán bộ làm công tác chuyên môn về công trình điện ở các địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt phương án di dời cần có ý kiến thỏa thuận của nhiều cấp, nhiều ngành ở Trung ương, địa phương nên mất nhiều thời gian để khâu nối, liên hệ về thực hiện hồ sơ, thủ tục”, ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà thông tin.
Cùng với đẩy nhanh quá trình kiểm đếm, áp giá bồi thường, công khai kế hoạch chi trả GPMB dự án, một việc quan trọng cũng được các cấp chính quyền hết sức quan tâm, đó chính là phòng ngừa tình trạng xây dựng trái phép (mái che, hàng rào, chuồng trại) hay trồng các loại cây trong phạm vi phóng tuyến chờ đền bù. Sự lo lắng này là hoàn toàn có căn cứ, bởi thời điểm đầu triển khai dự án cao tốc, tại một số địa bàn đã xuất hiện tình trạng này…
Thời gian đầu khi nghe thông tin về dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ triển khai, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng hộ dân tự ý xây dựng công trình, trồng cây chờ đền bù.
Trước các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC dự án cao tốc Bắc - Nam, cấp ủy, chính quyền các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đang tăng cường nắm bắt các kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân để cùng phối hợp xử lý. Ông Trần Mạnh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc thông tin: Huyện đã chi trả kinh phí GPMB đất nông nghiệp đợt 1 cho 1.228 hộ dân với số tiền hơn 152 tỷ đồng và chuẩn bị chi trả đợt 2. Để đảm bảo việc kê khai, áp giá đúng quy định, huyện đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính (Sở TN&MT) để xác định giá đất sao cho phù hợp nhất. Các thông tin liên quan tới GPMB đều được huyện đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các nền tảng mạng xã hội để người dân nắm bắt.
Hội đồng đền bù GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam huyện Can Lộc chi trả kinh phí đền bù GPMB đất nông nghiệp cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Theo ông Trần Mạnh Sơn, việc tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong người dân vẫn là “chìa khóa” trong công tác đền bù GPMB dự án. Can Lộc đã yêu cầu các xã, thị trấn, thôn, xóm tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nhiệm vụ bồi thường GPMB với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Việc tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong người dân không chỉ đẩy nhanh quá trình đền bù GPMB mà còn là giải pháp hiệu quả góp phần ngăn ngừa tình trạng xây dựng các công trình chờ đền bù. Ông Hoàng Minh Tâm - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh) chia sẻ: Đến thời điểm này, người dân đã thấu hiểu việc xây dựng các công trình chờ đền bù là vi phạm pháp luật. Thời gian qua, trên địa bàn không xuất hiện thêm trường hợp vi phạm nào, tuy nhiên, nhằm tránh tái diễn tình trạng này, xã và thôn thường xuyên nắm bắt hiện trạng từng khu vực dân cư nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án, thông báo trên loa truyền thanh của thôn để mọi người cùng thực hiện chủ trương triển khai dự án cũng như các vấn đề liên quan công tác đền bù GPMB.
Ban QLDA Bộ GTVT bàn giao mốc GPMB thực địa tuyến cao tốc Bắc – Nam cho các địa phương để làm căn cứ kiểm đếm GPMB.
Trước nguyện vọng của người dân về việc các điểm TĐC có điều kiện tương tự với nơi ở cũ - như trường hợp 11 hộ dân nằm sát mặt đường tỉnh lộ 553 để có thể tiếp tục việc kinh doanh, buôn bán, ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà nhìn nhận rằng, ý kiến người dân là rất xác đáng và huyện cũng đã tiếp xúc, trao đổi nhằm tìm hướng giải quyết thấu đáo, phù hợp. Trước mắt, huyện đang đẩy nhanh quá trình xây dựng khu TĐC để người dân phải di dời (có 11 hộ nêu trên) lựa chọn nhận đất TĐC; trường hợp người dân không nhận đất mà chủ động tự tìm nơi ở mới thì huyện sẽ hỗ trợ thêm một khoản kinh phí (đối với hộ đã xây dựng nhà cửa) nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ.
Đối với vấn đề di dời hạ tầng kỹ thuật, UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành liên quan, Công ty Điện lực Hà Tĩnh, Công ty Truyền tải điện Hà Tĩnh chủ động phối hợp với các địa phương để kịp thời hướng dẫn quy trình, hồ sơ thủ tục cũng như hỗ trợ chuyên môn trong việc xây dựng, thẩm định phương án…
Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Hoạch cho hay: Liên quan tới các trường hợp hộ dân thuộc diện TĐC tại chỗ nhưng đất lại nằm trong hành lang ATGT hay có hình thể xiên xẹo, tam giác, gần mố cầu vượt, hầm chui hoặc không có lối đi ra đường giao thông công cộng, gây khó khăn cho người dân TĐC tại chỗ, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra thực địa từng khu vực, từng địa phương với quan điểm linh hoạt giải quyết vướng mắc trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do thẩm quyền xử lý phần việc này thuộc Bộ TN&MT và Bộ GTVT nên tỉnh đã có văn bản xin ý kiến giải quyết sớm.
6 địa phương có tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua đã quy hoạch các khu tái định cư với tinh thần chỗ ở mới sẽ bằng và tốt hơn nơi ở cũ
Việc tạo thuận lợi cho bà con đủ điều kiện TĐC đang được các đơn vị liên quan hết sức quan tâm. Đặc biệt, Sở Xây dựng đã phối hợp với các địa phương lựa chọn quy hoạch xây dựng 28 khu TĐC (25 khu TĐC cho người dân, 3 khu xây nghĩa trang mới). Các khu TĐC được lựa chọn kỹ càng với quan điểm nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm chuyển đến. Hiện tất cả các địa phương đã hoàn thành việc trình thẩm định quy hoạch các khu TĐC. Sở Xây dựng đang phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành thẩm định các khu TĐC đảm bảo kịp tiến độ xây dựng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Việc xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa nhiều mặt, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần gắn kết các địa phương, thu hẹp khoảng cách vùng miền, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ. Chính phủ cũng đã ban hành 2 nghị quyết chỉ đạo thực hiện. Về phía tỉnh Hà Tĩnh, ngay sau khi dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong công tác bồi thường, GPMB dự án; UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, kiểm tra thực tế tại hiện trường và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung, quyết liệt thực hiện công tác bồi thường, GPMB, xử lý các khó khăn vướng mắc đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao: bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023. Đến nay, công tác kiểm đếm đã cơ bản hoàn thành, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, khẩn trương áp giá, phê duyệt kinh phí và tổ chức chi trả tiền bồi thường. Về TĐC, tỉnh đã chấp thuận địa điểm, chỉ đạo các địa phương lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và triển khai xây dựng các khu TĐC. Đối với phạm vi đã GPMB thì sau khi hoàn thành, yêu cầu địa phương bàn giao cho chủ đầu tư để thực hiện quản lý; đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tuyệt đối không để tái lấn chiếm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có), đảm bảo bàn giao mặt bằng, đủ điều kiện để khởi công dự án theo kế hoạch của Chính phủ, Bộ GTVT dự kiến tháng 12/2022.
Việc kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án cao tốc Bắc – Nam giúp các địa phương thực hiện hiệu quả công tác đền bù GPMB.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh vào sáng 6/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ghi nhận và đánh giá cao Hà Tĩnh đã nỗ lực, tập trung cao cho công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam và đạt kết quả khá tốt, nhất là giải ngân kinh phí đền bù GPMB đất nông nghiệp. Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, thời hạn bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 đã đến gần. Hà Tĩnh cần tiếp tục tập trung cao độ cho công tác GPMB dự án, có kế hoạch cụ thể giải ngân kinh phí đền bù GPMB từ nay tới cuối năm. Tỉnh cũng cần tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới công tác GPMB dự án và gửi về Bộ GTVT để có căn cứ báo cáo Chính phủ cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất phương án xử lý. Với đề xuất của tỉnh về điều chỉnh quy mô một số cống chui, cầu vượt dân sinh, cầu bắc qua sông Cày..., giao các ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có phương án xử lý phù hợp. |
ẢNH, VIDEO: VĂN ĐỨC
THIẾT KẾ: HUY TÙNG