Dạy - học tiếng Anh tại Hà Tĩnh: Những điều trăn trở

(Baohatinh.vn) - Tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng phổ biến nhất thế giới, là cẩm nang không thể thiếu để hội nhập. Bởi vậy, quan điểm của ngành giáo dục đã thể hiện khá rõ: Đổi mới dạy học ngoại ngữ là một khâu quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Cần chuyển từ cách dạy một môn học sang dạy năng lực sử dụng được ngoại ngữ.

Trình độ và cảm xúc từ người dạy

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Anh cho biết, ngành đang tập trung giải bài toán về đội ngũ giáo viên (GV), từ đó, từng bước đồng bộ chương trình dạy học tiếng Anh hệ 10 năm trong toàn tỉnh. Đề án sắp xếp, bố trí GV các cấp học đang quyết liệt triển khai, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương và ngành giáo dục sớm đảm bảo số lượng GV nói chung, GV ngoại ngữ nói riêng cho các trường học. Cùng đó, chương trình đào tạo lại đội ngũ đang tiến tới chuẩn hóa 100% GV ở các cấp học. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành giáo dục, GV dạy ngoại ngữ sẽ tiếp tục vất vả với hành trình nâng cao năng lực bởi yêu cầu đối với người dạy sẽ ngày càng cao, các chương trình đánh giá, khảo sát đội ngũ được thực hiện thường xuyên và đến một thời điểm họ phải chấp nhận quy luật đào thải khắc nghiệt.

Dạy - học tiếng Anh tại Hà Tĩnh: Những điều trăn trở

Huy động nguồn lực xã hội hóa cơ sở vật chất phòng học tiếng Anh và mời giáo viên bản ngữ về giảng dạy trong nhà trường là giải pháp giúp học sinh rèn luyện kỹ năng nghe, nói.

Nhìn ở một góc độ khác, theo các chuyên gia ngoại ngữ, thì việc đặt ra áp lực trong đổi mới kỹ năng, phương pháp dạy là bước đi cần thiết để “đánh thức” cảm xúc trong mỗi tiết học của đội ngũ GV tiếng Anh hiện nay. Tiến sỹ Nguyễn Gia Việt - Trưởng bộ môn Ngoại ngữ Trường Đại học Hà Tĩnh cho rằng: “So với cách dạy mang tính thuyết giảng như trước đây thì yêu cầu tổ chức các hoạt động về một chủ điểm kiến thức đòi hỏi người dạy phải tư duy, vận động và có niềm cảm hứng để truyền cho người học. Vấn đề ở đây là người dạy có quyết tâm thay đổi hay không và nhà quản lý có giải pháp hiệu quả để thúc đẩy sự đổi mới hay không”.

Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, một số trường học đã mạnh dạn “trải thảm đỏ” mời GV bản ngữ về trường. Thị xã Hồng Lĩnh là địa phương tiên phong trong bước đi mới này với sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh, sự quyết liệt của các nhà trường và sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền trên địa bàn. Với 6 trường học trên địa bàn có GV bản ngữ tham gia giảng dạy, hàng ngàn học sinh ở Hồng Lĩnh đã có cơ hội tiếp cận cách học ngoại ngữ theo hướng hiện đại, hiệu quả. Từ năm học 2014-2015, học sinh khối 3, 4, 5 của Trường Tiểu học Bắc Hồng đã được làm quen với tiếng Anh có sự tham gia giảng dạy của người nước ngoài.

Cô Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hoạt động này không chỉ góp phần giúp các em nâng cao sự tự tin, kỹ năng nói tiếng Anh mà còn tạo cơ hội để GV tiếng Anh của trường được trao đổi kinh nghiệm, sáng kiến chuyên môn với GV nước ngoài thông qua hình thức trợ giảng, ngoại khóa. Đến nay có 15 lớp khối 3, 4, 5 với 530 học sinh đang được học tiếng Anh với GV nước ngoài, thời lượng 1 tiết/tuần/lớp”.

Học theo năng lực, đánh giá bằng kỹ năng

Để khắc phục tình trạng năng lực học sinh không đồng đều khi bước vào các bậc học THCS và THPT, những năm gần đây, Sở GD&ĐT chỉ đạo thực hiện các mô hình thí điểm phân loại học sinh từ lớp đầu cấp để có chương trình dạy phù hợp. Làm tốt mô hình này, nhiều trường học đã tạo tâm thế tự tin để học sinh tiếp cận môn Tiếng Anh theo hướng phát triển các kỹ năng. THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh) là một trong những trường bậc THPT đầu tiên thực hiện khá thành công mô hình phân loại học sinh, áp dụng chương trình dạy theo năng lực người học.

Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Được học chương trình phù hợp với năng lực của mình, các em tự tin và hứng thú hơn trong từng giờ học. Từ đó, bên cạnh đổi mới trong từng tiết dạy, chúng tôi dày công tổ chức các hoạt động ngoại khóa một cách thường xuyên, phong phú như thi hát tiếng Anh, hùng biện hoặc kể chuyện tiếng Anh được lồng trong nội dung của buổi chào cờ đầu tuần; tổ chức các buổi sinh hoạt CLB nói tiếng Anh. Đặc biệt, chúng tôi đã thành công với sân chơi “Khi tôi là hướng dẫn viên du lịch”, thu hút các em vào vai các hướng dẫn viên, đăng ký địa điểm và thực hành với vai trò một hướng dẫn viên bằng tiếng Anh để giới thiệu với du khách về địa điểm đó”.

Cùng với sự đổi mới phương pháp dạy, học trong các nhà trường, việc đánh giá năng lực học sinh cũng đã có bước chuyển động theo xu hướng chú trọng phát triển kỹ năng. Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh từ năm 2015-2016, kỹ năng nghe, nói được đưa vào bài thi và chiếm 1/3 điểm số.

Dạy - học tiếng Anh tại Hà Tĩnh: Những điều trăn trở

Đổi mới kỹ năng, phương pháp là một trong những bước đi cần thiết để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tiếng Anh.

Ở thành phố Hà Tĩnh, theo cô Phan Thị Hằng - chuyên viên tiếng Anh Phòng GD&ĐT: “2 năm học gần đây, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, ngoài phần đọc, viết, chúng tôi còn có phần thi nói đồng đội và phần thi nghe đánh giá từng cá nhân. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT cũng định hướng, hỗ trợ các trường ra đề thi cuối kỳ theo hướng đánh giá kỹ năng học sinh, đồng thời, kiểm tra việc thực hiện của các trường”. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT thì ngành đang tiếp tục yêu cầu các trường trong toàn tỉnh đổi mới công tác đánh giá một cách mạnh mẽ, đồng bộ, đại trà, đồng thời sẽ kiến nghị với Bộ GD&ĐT có giải pháp đổi mới đề thi tiếng Anh trong các kỳ thi quốc gia.

  • Dạy - học tiếng Anh tại Hà Tĩnh: Những điều trăn trở
    Dạy - học tiếng Anh tại Hà Tĩnh: Đường dài, ai theo?

    Những chuyên gia tiếng Anh mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho rằng: Cái khó nhất mà cũng là mục tiêu cuối cùng của người học ngoại ngữ là biến kiến thức thành năng lực sử dụng nó trong cuộc sống cũng như công việc.

Xã hội hóa tiếng Anh trong cuộc sống

Trong quá trình thực hiện bài viết về thực trạng dạy - học tiếng Anh trên địa bàn, chúng tôi đã nghe được những ý tưởng chứa đựng tâm huyết của những người đang trăn trở với mục tiêu từng bước đưa tiếng Anh vào cuộc sống. Một cô giáo trăn trở với dự định thành lập một CLB Cafe tiếng Anh để tập hợp những người cùng sở thích rèn luyện kỹ năng nghe, nói tiếng Anh. Một thầy giáo nhiệt huyết động viên lớp trẻ tổ chức các buổi sinh hoạt hè cùng thanh thiếu niên ở các địa bàn, nhất là vùng nông thôn về chủ điểm tiếng Anh. Một người bạn dạy tiếng Anh chia sẻ, nếu có thể, bố mẹ nên cố gắng nói những từ đơn giản bằng tiếng Anh với con mình càng sớm càng tốt; gia đình nên tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh một cách tự nhiên để các con không bỡ ngỡ với môn học này khi tới trường.

Những ý kiến tâm huyết đều cho rằng, cần từng bước đưa tiếng Anh vào cuộc sống với những mô hình, cách làm hiệu quả. Qua đó, kéo cả xã hội vào cuộc trong việc tiếp sức, hỗ trợ cho thế hệ tương lai thực sự làm chủ kỹ năng sử dụng tiếng Anh - yêu cầu không thể thiếu của thời kỳ hội nhập. Chỉ khi tiếng Anh trở thành nhu cầu cuộc sống chứ không phải là yêu cầu của một môn học thì các kỳ thi sẽ không còn nhiều áp lực và lộ trình mà Bộ GD&ĐT đề ra: “Đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập” sẽ dần tới đích.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Trường Mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng từ nguồn Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và nguồn xã hội hóa của địa phương. Ngôi trường khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.