Hoạt động tích cực, hiệu quả của CLB, Đội can thiệp phòng chống BLGĐ thôn Trần Phú đã giúp thôn xây dựng nông thôn mới yên bình, tươi đẹp.
Đến Kỳ Xuân, đi bất kỳ thôn xóm nào, bà con đều cởi mở, chia sẻ những câu chuyện hàn gắn hạnh phúc gia đình nhờ có vai trò của CLB, Đội can thiệp phòng chống BLGĐ (viết tắt là CLB). Ở thôn Trần Phú, gia đình ông Lê Xuân T. sau nhiều năm vợ chồng sống ly thân, được sự tư vấn, hỗ trợ của CLB đã trở về một mái nhà, sống hòa thuận cùng con cháu. Thôn Xuân Phú có anh Nguyễn Tiến T. nhiều lần đánh vợ khiến vợ phải về ở với mẹ đẻ, được sự giáo dục, giúp đỡ của CLB đã thay đổi hành vi, vợ chồng đoàn tụ, xây dựng kinh tế khá giả.
Gia đình ông Dương Xuân Tượng., bà Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Lê Lợi luôn mâu thuẫn dai dẳng do rượu chè, nhờ có sự can thiệp, vận động của CLB, nay đã thuận vợ thuận chồng, mở mang sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Gia đình ông Tượng, bà Tuyết ở thôn Lê Lợi nay đã thuận vợ thuận chồng
Đến thăm gia đình ông bà Lê Ngọc Phượng - Võ Thị Tình ở thôn Trần Phú, giờ đây, chuyện về người chồng trước đây từng làm khổ vợ con sau mỗi trận rượu chè đã trở thành chuyện vui. Mấy năm nay, được các thành viên trong CLB thường xuyên trao đổi, động viên, ông Phượng đã dứt bỏ “ma men”. “Bỏ được rượu, ông ấy lại hiền như đất. Công việc nặng trong gia đình đều cáng đáng hết. Tôi tham gia hội phụ nữ, đang định nghỉ để chuyển sang hội người cao tuổi, ông ấy nói: Bà cứ tham gia cả mấy đoàn thể để được giao lưu, gặp gỡ cho vui vẻ, thoải mái, tiến bộ với người ta” - bà Tình kể.
Gia đình ông bà Lê Ngọc Phượng, Võ Thị Tình ở thôn Trần Phú đã yên ấm, hạnh phúc kể từ khi bạo lực gia đình được đẩy lùi.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Xuân Nguyễn Thị Hải, kể từ khi các CLB đi vào hoạt động trên tất cả các thôn, nạn BLGĐ giảm hẳn và nhiều chị em phụ nữ đã tránh được sự tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần; sự bình đẳng trong gia đình ngày càng được cải thiện. Chị Trần Thị Liễu - Chi hội trưởng Phụ nữ - thành viên Ban Chủ nhiệm CLB thôn Trần Phú cho biết: “Khi có thông tin về vụ việc BLGĐ trong thôn, đối tượng đầu tiên chúng tôi tiếp cận đó là người phụ nữ, vì đây là người thường chịu thiệt thòi nhiều nhất. Sau đó, bằng nhiều cách, nhiều mối quan hệ để gặp gỡ, khéo léo chia sẻ, phân tích cho cả hai bên nhận ra nguyên nhân sự việc và kiên trì tác động giúp người gây mâu thuẫn từng bước thay đổi nhận thức, hành vi”.
Trong quá trình can thiệp, phòng chống BLGĐ, ngoài vai trò của phụ nữ, mỗi CLB đều có sự chủ trì của trưởng thôn và sự tham gia của tất cả các tổ chức đoàn thể. Sự vào cuộc đồng bộ này không chỉ giúp CLB xử lý tốt những vụ việc cụ thể mà công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở về phòng chống BLGĐ cũng được thực hiện thường xuyên.
Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Thị Hải (người phía bên trái) thường xuyên đồng hành cùng các CLB phòng chống BLGĐ
Được biết, mô hình CLB, Đội can thiệp phòng chống BLGĐ ở Kỳ Xuân được Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh triển khai xây dựng từ năm 2010 tại 2 thôn, sau đó, được xã nhân rộng ở 8/8 thôn. Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Thị Hải, từ đó tới nay, nhận thức của người dân vùng biển về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đã được nâng lên đáng kể, các gia đình hòa thuận nên chị em phụ nữ có điều kiện thuận lợi để tích cực tham gia các phong trào. Tỷ lệ phụ nữ được tập hợp vào hội đến nay đạt trên 85%, trở thành một trong những lực lượng chủ chốt góp sức cùng địa phương đạt chuẩn NTM cuối năm 2017.