ĐBQH Hà Tĩnh: Cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho các cơ quan tư pháp

(Baohatinh.vn) - Trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội, bà Phan Thị Nguyệt Thu - ĐBQH Hà Tĩnh đã có những ý kiến thiết thực về công tác tư pháp.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội dành cả ngày 8/11 để thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

ĐBQH Hà Tĩnh: Cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho các cơ quan tư pháp

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu thảo luận tại hội trường.

Tham gia thảo luận vào sáng 8/11, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác của các cơ quan tư pháp trong năm 2022 với nhiều nỗ lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội; đồng thời kiến nghị một số vấn đề cần có giải pháp khắc phục.

Theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, năm 2022, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp, một số vụ án lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm trên không gian mạng với thủ đoạn mới, tinh vi hơn; tội phạm tham nhũng tăng 40,97%; tội phạm trong công tác quản lý nhà nước về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, an ninh tiền tệ. Các tranh chấp dân sự hành chính có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai gia tăng.

Đại biểu cho rằng, kết quả phát hiện, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của các cơ quan tố tụng cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, nhiều vụ án lớn xử lý kịp thời, nghiêm minh, được dư luận, Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế tham nhũng được quan tâm thực hiện.

Các vụ án dân sự, hành chính được tòa án các cấp đối thoại, hòa giải thành chiếm tỷ lệ cao. Điều đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan tư pháp Trung ương rất quyết liệt và có nhiều giải pháp phù hợp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội về xét xử phiên tòa trực tuyến.

Đại biểu cũng dẫn chứng, sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 33, các cơ quan tố tụng đã phối hợp xét xử trực tuyến gần 4.000 vụ án, trong đó 3.114 vụ án hình sự có điểm cầu thành phần tại các trại giam công tỉnh trên cả nước; có 240 vụ án dân sự, 251 vụ án hành chính, 158 vụ việc xử lý hành chính có điểm cầu thành phần tại các UBND các cấp.

ĐBQH Hà Tĩnh: Cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho các cơ quan tư pháp

Các đại biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo đại biểu, với sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cấp tòa án đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33 của Quốc hội. Qua đó, đảm bảo xét xử kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức tham gia phiên tòa, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và ngân sách nhà nước.

Theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đã thể hiện tính tôn nghiêm của pháp luật, trình chiếu công khai các tài liệu chứng cứ tại phiên tòa, việc lưu giữ âm thanh, hình ảnh được thực hiện đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng được thực hiện như phiên tòa trực tiếp.

Bên cạnh đó, đại biểu phân tích một số vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện điều tra, truy tố, xét xử có hàng trăm người tham gia tố tụng trong khi cơ sở vật chất, phòng xét xử tại các tòa án được xây dựng từ những năm 1990 đã xuống cấp nghiêm trọng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, vận hành hiệu quả phần mềm trợ lý ảo của Tòa án Tối cao còn gặp nhiều khó khăn.

Các vụ việc ngày càng tăng, tính chất phức tạp, trong khi đó nguồn lực hiện tại về con người, cơ sở vật chất của tòa án các cấp, các cơ quan tư pháp còn thiếu, do vậy gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chức năng nhiệm vụ.

Theo đại biểu, để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết TW6 (khóa XIII) của Đảng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, các cơ quan tư pháp cần có các giải pháp sau:

Thứ nhất, hiện nay có trên 20 tòa án cấp tỉnh, hơn 100 tòa án cấp huyện có nhu cầu cấp bách để cải tạo nâng cấp, đầu tư xây dựng mới giai đoạn trung hạn. Do vậy, đại biểu đề nghị cần tiếp tục có cơ chế phân bổ nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp trụ sở tòa án cấp tỉnh, cấp huyện, trại tạm giam công an các tỉnh để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội xem xét tăng số lượng thẩm phán, thư ký cho tòa án các cấp, đặc biệt là thẩm phán sơ cấp, trung cấp. Theo đại biểu, từ năm 2017 đến nay, ngành tòa án phải giải quyết tăng 5.000 vụ án/năm, với áp lực công việc rất lớn, trong khi thời hạn tố tụng phải đảm bảo theo quy định pháp luật. Số lượng biên chế Quốc hội giao, cho phép giữ nguyên như năm 2012 đến thời điểm này là không còn phù hợp và không đáp ứng yêu cầu.

Cuối cùng, việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng tòa án điện tử, tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp một số khó khăn, hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo; trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến tại các tòa án và các cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Công an, Tòa án Tối cao kịp thời trang bị cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin, phòng xét xử tại điểm cầu trung tâm tòa án và điểm cầu thành phần tại các trại giam để các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm