ĐBQH Hà Tĩnh tham gia góp ý dự thảo Luật Công chứng

(Baohatinh.vn) - Tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề xuất mở rộng mô hình văn phòng công chứng, tăng cường trách nhiệm công chứng viên.

Chiều 25/10, tại Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Đại biểu Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã có nhiều đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định trong dự thảo luật.

241025xv8tinthaoluanluacongchungsd2-8148-8519.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

ĐBQH Trần Đình Gia thống nhất chọn phương án cho phép văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân ở những địa bàn khó khăn, nơi cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Phương án này giúp mở rộng lựa chọn cho các công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề, tạo điều kiện phát triển dịch vụ công chứng ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà việc mở văn phòng công chứng theo mô hình công ty hợp danh gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Trần Đình Gia nêu quan điểm tán thành quy định tổ chức hành nghề công chứng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên. Đại biểu cho rằng quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của công chứng viên trong quá trình hành nghề, đồng thời bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, giảm thiểu rủi ro và tranh chấp phát sinh.

241025xv8tinthaoluanluacongchungsd1b-8196-6218.jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia thảo luận hoàn thiện dự án luật.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cũng đề xuất điều chỉnh quy định về thời hạn công chứng để tạo sự linh hoạt trong các giao dịch. Cụ thể, ngoài quy định về thời hạn công chứng không quá 2 ngày hoặc 10 ngày đối với giao dịch phức tạp, cần bổ sung thêm điều khoản cho phép các bên thỏa thuận thời gian thực hiện, đảm bảo quyền tự chủ của các bên liên quan trong quá trình giao dịch dân sự.

Quan tâm đến quy định về ký và lưu trữ hình ảnh trong quá trình công chứng, đại biểu phân tích đây là một giải pháp hữu ích để kiểm soát và đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động công chứng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ Tư pháp cần hướng dẫn chi tiết việc thực hiện, đồng thời lưu ý đến quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân theo quy định, đặc biệt là trong trường hợp công chứng điện tử.

Cuối cùng, đại biểu nhấn mạnh cần bổ sung quy định cho phép sử dụng thông tin điện tử từ các cơ sở dữ liệu Nhà nước trong hồ sơ công chứng. Điều này phù hợp với xu hướng số hóa, giúp công chứng viên tiếp cận thông tin chính xác và nhanh chóng hơn, thay vì chỉ dựa vào các giấy tờ do người yêu cầu công chứng cung cấp.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm