Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cần nghiêm túc tiếp thu các góp ý, hoàn thiện Đề án để trình BTV Tỉnh uỷ nghe, cho ý kiến.
Dự thảo Đề án đã phân tích rõ vai trò của công tác chính trị tư tưởng trong tình hình hiện nay. Trong đó xác định, thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Trong nước, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị đã bằng nhiều thủ đoạn công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, chế độ XHCN.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng báo cáo thuyết minh Đề án
Bên cạnh đó, công tác chính trị tư tưởng còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: một số cấp ủy Đảng chưa xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác chính trị tư tưởng; những biểu hiện về suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; tính chiến đấu trong sinh hoạt của tổ chức đảng và đảng viên ở một số địa phương, đơn vị giảm sút…
Đề án cũng đề cập về mặt trái của cơ chế thị trường, đánh giá về chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Huyên phân tích và cân nhắc việc lựa chọn một số khái niệm trong dự thảo đề án
Từ nhận định trên, Dự thảo đề án đề ra mục tiêu: Tăng cường, đổi mới công tác chính trị tư tưởng; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội. Đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện sai trái, chia rẽ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác chính trị tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh thời gian qua, dự thảo đề án đưa ra 7 nội dung cơ bản về công tác chính trị tư tưởng nhiệm kỳ 2016 – 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Đề án cần đánh giá cụ thể hơn thực tiễn của tỉnh cũng như bối cảnh quốc tế, trong nước; sự chống phá của các thế lực thù địch tác động đến Hà Tĩnh. Xây dựng đề án theo tinh thần tiếp cận là nhận ra ngay đây là tình hình, thực tiễn của Hà Tĩnh. Đánh giá sâu hơn về thực trạng, làm nổi rõ nguyên nhân để xây dựng quan điểm, mục tiêu và giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Góp ý dự thảo đề án trình tại cuộc họp, các đại biểu nêu ý kiến về nhiều nội dung: tên gọi đề án, bổ sung những nội dung cụ thể hơn trong phần đánh giá thực trạng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới …
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Nam Hồng: Công tác chính trị tư tưởng là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, cần cân nhắc nên ban hành nghị quyết hay là ban hành chuyên đề để triển khai thực hiện tốt hơn các Nghị quyết của trung ương, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn đánh giá những nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong biên soạn các dự thảo văn bản trình BTV Tỉnh uỷ. Tuy nhiên, việc soạn thảo đề án còn một số nội dung chưa sát với thực tiễn tình hình của tỉnh, chưa cụ thể rõ các nội dung biểu hiện mà nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã chỉ ra.
"Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện đề án, trình BTV Tỉnh uỷ tiếp tục cho ý kiến. Việc quan trọng của đề án là phải chuyển tải được những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương Đảng khoá XII để tổ chức thực hiện có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay” - Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu.