Ươm mầm di sản
Sau khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 11/2014), Hà Tĩnh đã tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong đó, việc khuyến khích thành lập các CLB dân ca ví, giặm ở các địa phương được triển khai mạnh mẽ và được người dân hưởng ứng nhiệt tình.
Từ chỗ chỉ có 4 CLB, sau 1 năm triển khai đã có hàng chục địa phương cấp xã hưởng ứng thành lập CLB. Đến nay, sau 10 năm dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh (2014 - 2024), toàn tỉnh đã thành lập được trên 174 CLB tại các xã, phường, thị trấn cùng nhiều mô hình CLB tại các cơ quan, trường học… Các CLB dân ca ví, giặm đã tập hợp, thu hút hàng nghìn thành viên ở đủ mọi thành phần, lứa tuổi có chung niềm đam mê và năng khiếu về văn nghệ tham gia sinh hoạt, học tập, thực hành, sưu tầm, sáng tác lời mới và biểu diễn dân ca ví, giặm. Qua đó, góp sức đưa di sản ngày càng lan tỏa, gắn liền với hơi thở của đời sống đương đại.
Nghệ nhân Dân gian (NNDG) Trần Thị Hương - thành viên CLB Dân ca ví, giặm phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã yêu thích dân ca ví, giặm; lớn lên, tôi thường xuyên tham gia phong trào văn nghệ địa phương. Tuy nhiên, thời điểm 2014 trở về trước, tôi hầu như chưa có kiến thức, hiểu biết về loại hình văn nghệ dân gian này, chỉ hát được vài làn điệu đơn giản mà vẫn chưa đúng. Cuối năm 2014, tôi được tham gia sinh hoạt tại CLB Dân ca ví, giặm phường Tân Giang. Với môi trường sinh hoạt cởi mở, sự truyền dạy của các thế hệ nghệ nhân đi trước, tôi đã từng bước học hỏi được nhiều kiến thức mới, hát được nhiều làn điệu dân ca ví, giặm, thêm tự tin biểu diễn trên sân khấu. Đến nay, song song với tham gia nhiều liên hoan, hội thi cùng CLB, tôi thường xuyên được các đài truyền hình Trung ương và địa phương mời thực hiện các chương trình về văn nghệ dân gian”.
CLB Dân ca ví, giặm phường Tân Giang là CLB dân ca ví, giặm đầu tiên của TP Hà Tĩnh. Trải qua gần 10 năm hoạt động, dưới sự dẫn dắt của Nghệ nhân Ưu tú Đặng Minh Nguyệt (trong vai trò chủ nhiệm), CLB đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ nghệ nhân thực hành di sản dân ca ví, giặm. Trong đó, có những hạt nhân nổi bật như các nghệ nhân ưu tú Hồ Đức Trung, Nguyễn Thị Thanh Minh; các nghệ nhân dân gian Trần Thị Hương, Lê Thị Phương Thảo, Hoàng Hạnh… cùng nhiều thanh thiếu niên đã trưởng thành, đang học tập tại các trường đại học, hoặc làm việc ở nhiều vùng miền khác trên cả nước.
CLB Dân ca ví, giặm phường Tân Giang hiện có 15 thành viên nòng cốt, thường xuyên sinh hoạt và dàn dựng nhiều chương trình, tiết mục biểu diễn phục vụ các sự kiện tại địa phương. Thời gian qua, CLB cũng phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa, tập huấn dạy hát dân ca cho học sinh, sinh viên tại các trường học…
Từ môi trường sinh hoạt của các CLB dân ca ví, giặm tại các địa phương, nhiều tài năng thực hành loại hình di sản này đã được phát hiện, bồi dưỡng và tỏa sáng. Tiêu biểu như các nghệ nhân: Phạm Thị Huyền (CLB Dân ca ví, giặm xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn); Hà Thị Thành, Nguyễn Viết Bình (CLB Dân ca ví, giặm xã Tùng Lộc, Can Lộc); Lê Quyết Diễn, Nguyễn Hồng Liên (CLB Dân ca ví, giặm xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh); Nguyễn Huy Chương, Lê Hữu Trường (CLB Dân ca ví, giặm Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên)… Và còn rất nhiều nghệ nhân, hạt nhân tiêu biểu đã được trau dồi, rèn giũa nhờ các CLB dân ca ví, giặm ở các xã, phường, thị trấn được thành lập trong suốt hơn 10 năm qua trên toàn tỉnh.
Không chỉ tạo môi trường để những người yêu thích và có năng khiếu dân ca ví, giặm được thể hiện, trau dồi, các CLB còn là nơi để các nghệ nhân tâm huyết trao truyền di sản ông cha cho thế hệ kế cận.
Nghệ nhân Nhân dân Trần Khánh Cẩm - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Là người sưu tầm, bảo tồn di sản ông cha, trước đây, tôi và nhiều nghệ nhân khác luôn đau đáu với việc trao truyền cho thế hệ trẻ. Đã có những thời điểm, chúng tôi muốn “gieo hạt” nhưng không có “đất”. Sự kiện dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi khi cùng lúc, các cấp chính quyền có chủ trương khuyến khích, động viên, còn người dân thì hăng hái tham gia hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Trong 1 thập kỷ qua, cùng với việc sưu tầm những làn điệu cổ, tôi và các nghệ nhân ở địa phương cũng đã trao truyền cho rất nhiều thế hệ. Có người đã trở thành nghệ nhân, nối gót chúng tôi, có những người hoạt động trong lĩnh vực khác nhưng những làn điệu dân ca ví, giặm vẫn luôn được họ mang theo”.
Nét văn hóa độc đáo
Cùng với các hoạt động bảo tồn, phát huy khác, gần 10 năm qua, dân ca ví, giặm đã trở thành nét văn hóa độc đáo trong đời sống của người dân Hà Tĩnh thông qua nhiều hoạt động biểu diễn đến từ các CLB. Nổi bật là các kỳ liên hoan dân ca ví, giặm các cấp và liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh.
Trong đó, từ năm 2014 đến nay, đã có 5 kỳ liên hoan dân ca ví, giặm cấp tỉnh và liên hoan dân ca ví, giặm cấp liên tỉnh Nghệ - Tĩnh được tổ chức; mỗi kỳ liên hoan thu hút hàng chục CLB với hàng trăm nghệ nhân, diễn viên tham gia. Gần đây nhất, tại Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ 5 tổ chức ở TP Vinh, Nghệ An (tháng 8/2023), Hà Tĩnh đã có 7 CLB tiêu biểu với gần 300 nghệ nhân, diễn viên tham dự. Liên hoan đã trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân 2 tỉnh. Qua đó, khơi lên sức sống về bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống.
Cùng với tham dự các kỳ liên hoan các cấp, các CLB dân ca ví, giặm còn góp phần tạo nên đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho cộng đồng trong biểu diễn phục vụ sự kiện chính trị, văn hóa và du lịch. Trong đó, việc tham gia thực hiện các chương trình, hội thi tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách Nhà nước của các CLB dân ca ví, giặm đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, nhiều CLB dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh còn được mời tham gia biểu diễn ở nhiều chương trình sự kiện do các cơ quan, tổ chức ngoài tỉnh và cả nước ngoài như các CLB Dân ca ví, giặm Thành Sen (TP Hà Tĩnh), Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên)…
Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: “Thời gian qua, cùng với thực hiện các chủ trương của tỉnh, huyện đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ việc thành lập và duy trì hoạt động các CLB dân ca ví, giặm. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 50 CLB dân ca ví, giặm (17 CLB của các xã, thị trấn, 33 CLB trường học). Các CLB sinh hoạt đều đặn, thực hiện nhiều chương trình biểu diễn trong các sự kiện chính trị, văn hóa địa phương, tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Đồng thời, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ Nhân dân xây dựng NTM”.
Thời gian qua, Sở VH-TT&DL đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh nhiều chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các CLB dân ca ví, giặm. Trong đó, nổi bật có Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 và Nghị quyết số 98/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐND tỉnh. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 7,12 tỷ đồng cho việc thành lập và duy trì hoạt động các CLB dân ca ví, giặm (kinh phí ra mắt CLB dân ca ví, giặm là 30 triệu đồng/1 CLB và duy trì hoạt động 5 triệu đồng/năm/1 CLB). Ngoài ra, từ năm 2019, tỉnh hỗ trợ tổng số tiền 984 triệu đồng cho các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.
Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục khuyến khích thành lập các CLB mới, sở chỉ đạo các địa phương vận động các CLB đã thành lập tăng cường duy trì hoạt động, thu hút, bồi dưỡng nhân tố mới, tích cực phối hợp thực hiện các chương trình chất lượng phục vụ công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, phục vụ đời sống văn hóa - xã hội… Qua đó, lan tỏa hơn nữa giá trị di sản văn hóa dân ca ví, giặm trong thời đại mới