Đại biểu Trần Đình Gia phát biểu thảo luận tại Quốc hội chiều 7/11/2018
Trước hết, đại biểu thể hiện sự đồng tình và thống nhất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của dự án Luật, đại biểu đã tham gia các ý kiến góp ý cụ thể, sát thực.
Thứ nhất, đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm bốn khái niệm: “Khoảng cách trang trại chăn nuôi”, “Phụ gia thức ăn chăn nuôi”, “Chủ sở hữu trang trại” và “Chủ sở hữu vật nuôi” vào phần giải thích từ ngữ (Điều 2, dự thảo luật).
Theo đó, đại biểu đề nghị quy định rõ: “Khoảng cách trang trại chăn nuôi là đường thẳng ngắn nhất từ chuồng nuôi hoặc khu xử lý chất thải chăn nuôi đến tường rào hoặc ranh giới xác định của đối tượng bị tác động”; “Phụ gia thức ăn chăn nuôi là chất không có giá trị dinh dưỡng được bổ sung vào thức ăn trong quá trình chế biến, xử lý nhằm duy trì hoặc cải thiện đặc tính nào đó của thức ăn chăn nuôi”.
Thứ hai, trên cơ sở nhận thức rõ biến động của thị trường, đại biểu đề xuất nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để duy trì giống vật nuôi.
Đại biểu dẫn chứng bằng việc thời gian qua nhiều cơ sở chăn nuôi giống bỏ đàn vì càng nuôi càng lỗ nên khi giá cả phục hồi thì không có giống để tái đàn, điển hình là giống lợn. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi giống khi giá thị trường biến động, ảnh hưởng đến duy trì giống vật nuôi.
Từ đó, đại biểu đề nghị sửa đổi Điểm d, Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật như sau: “Hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh và biến động thị trường theo quy định của pháp luật”.
Thứ ba, đại biểu cho rằng hai khái niệm “Tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi” và “Tổ chức, cá nhân sở hữu vật nuôi” chưa rõ ràng, cần phải được quy định cụ thể hơn.
Đồng thời đại biểu cũng yêu cầu bổ sung và phân định rõ trách nhiệm về xử lý chất thải chăn nuôi trong dự thảo Luật đối với đối tượng “Tổ chức, cá nhân sở hữu vật nuôi” và “Tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi”. Vì thực tế, có nhiều chủ sỡ hữu trang trại chăn nuôi không trực tiếp tổ chức chăn nuôi mà cho người khác thuê tổ chức chăn nuôi.
Thứ tư, nhằm đảm bảo an toàn và phù hợp với mục tiêu khống chế, thanh toán về bệnh dại chó, mèo được Chính phủ quy định trong Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/1/2007, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về đăng ký nuôi giữ chó.
Cụ thể: “Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau: Đăng ký việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình. Khi đưa ra ngoài chó phải được rọ mõm và xích để giữ chó”. Đại biểu khẳng định việc kê khai số lượng chó đối với thôn, xóm là rất cần thiết để thuận lợi cho việc tiêm phòng.
Đặc biệt, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về quản lý chăn nuôi hươu sao vào dự án Luật. Lý giải về vấn đề này, đại biểu cho rằng hươu sao là đối tượng vật nuôi tương tự như chim yến và ong vì hươu sao đang được quản lý bởi các văn bản dưới Luật như hai vật nuôi này. Mặt khác, hươu sao đã được người dân thuần dưỡng, gây nuôi lâu đời (khoảng 300 năm), sinh sản tạo giống từ chăn nuôi của người dân, là vật nuôi có quần thể lớn (nhất là tại Hà Tĩnh, Nghệ An).
Ở Hà Tĩnh, hươu sao đã được xác định là một trong 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh với tổng đàn hiện nay gần 50 nghìn con và có giá trị kinh tế cao. Không những thế, loài vật này hiện đang được nuôi phổ biến tại hầu hết khắp các tỉnh, thành phố trong nước. Do đó, việc bổ sung quy định về quản lý chăn nuôi hươu sao là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.
Kết thúc buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tiếp thu và xem xét để đưa các ý kiến góp ý của đại biểu Trần Đình Gia vào dự án Luật Chăn nuôi.