Trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường chung.
Năm 2020, Hà Tĩnh được phân bổ 80 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội
Lượng tiêu thụ nhà ở thấp kỷ lục
Qua đánh giá, Bộ Xây dựng cho biết về tổng thể đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản mà chỉ tác dộng đến một vài yếu tố riêng lẻ cũng như hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tiềm lực yếu về tài chính.
Trong đó, nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở trung, cao cấp vẫn tăng do số lượng dự án đã hoàn thành xây dựng tăng. Cả nước có 71 dự án với 25.734 căn hộ căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tính riêng quý I.
Ở chiều ngược lại, nhu cầu bất động sản vẫn cao, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Thống kê cho thấy giá bán nhà ở vẫn tăng so với cuối năm 2019 (tại Hà Nội giá bán CHCC tăng 1,02%, nhà ở tăng 3,82%, tại TP. Hồ Chí Minh giá CHCC tăng 3,50%, nhà ở tăng 8,36%). Ngoài ra giá bất động sản công nghiệp cũng tăng 6,2% trong khi bất động sản du lịch và văn phòng cho thuê giữ nguyên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, dịch Covid-19 đã tác động đến một số yếu tố riêng biệt của thị trường, cũng như hoạt động của một số doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ.
Lượng giao dịch nhà ở thương mại trong quý I thấp kỷ lục do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: T.L.
Trong đó, tính riêng nhà ở thương mại, lượng tiêu thụ sản phẩm quý I mới đạt 14%, thấp nhất trong 4 năm qua và chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng giao dịch thành công giảm 37% so với quý liền trước và bằng 14% cùng kỳ.
Vốn FDI vào lĩnh vực này cũng sụt giảm mạnh, đạt 264 triệu USD sau 3 tháng đầu năm, tương đương 3,08% tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam.
Trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 12% thì số lượng tạm ngừng kinh doanh lại tăng 94,1% so với cùng kỳ, cao nhất trong tất cả ngành nghề. Số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm khoảng 80%; còn lại khoảng 200 sàn đang hoạt động cầm chừng.
Số liệu trên báo cáo tài chính của 178 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bất động sản trên HNX và HOSE cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho (đến 31/12/2019) là 209.100 tỷ. Trong đó, giá trị tồn kho bất động sản chiếm 50% (chưa kể lượng bất động sản tồn kho của các doanh nghiệp chưa niêm yết).
Qua tính toán, nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các chủ đầu tư có thể giải phóng được 15-20% lượng hàng tồn kho trong quý I.
Đề xuất thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Cũng tại báo cáo này, Bộ Xây dựng đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường bất động sản khi dịch bệnh đã được kiểm soát trong nước.
Theo đó, trong ngắn hạn, cần thực hiện ngay một số giải pháp khắc phục khó khăn cho thị trường và hỗ trợ một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nhất là các sản phẩm đang thiếu mà có nhu cầu cao.
Về dài hạn, để thị trường phát triển ổn định trở lại cần có các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư, quy trình thực hiện. Đăc biệt là chính sách ưu tiên, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Bộ Xây dựng đề xuất giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội xuống còn khoảng 4%/năm để tạo động lực chính cho thị trường bất động sản sau dịch. Ảnh: T.L.
Bộ này đề xuất giải pháp cấp bách trước mắt là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó, đề nghị 4 NHTM đã được Chính phủ cấp bổ sung 2.000 tỷ để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội triển khai ngay việc cho vay đầu tư xây dựng và cho người mua nhà vay theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ Xây dựng sẽ xác định cụ thể danh mục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang có thể đầu tư ngay trong năm nay để thực hiện cho vay.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội từ 4,8%/năm hiện nay xuống bằng 50% lãi suất bình quân các NHTM đang cho vay (khoảng 4%). Lý do là các ngân hàng này đã giảm lãi suất cho vay để khắc phục khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý này còn đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%; xác định lợi nhuận định mức; hoàn trả nghĩa vụ tài chính; tăng cường sự quản lý Nhà nước đối với hoạt động xây dựng nhà ở xã hội...
Cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất đến hết năm 2020 đối với các chủ đầu tư có dự án bất động sản đang triển khai nhưng gặp khó khăn về tài chính.
Giảm 50% thuế VAT cho các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, diện tích căn hộ dưới 70m2, giá bán không quá 1,5 tỷ đồng/căn; miễn lệ phí trước bạ cho tất cả giao dịch bất động sản trong năm 2020.
Cơ quan quản lý cũng đề xuất các chính sách tín dụng với người mua nhà, và doanh nghiệp bất động sản như khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay đến hạn đến hết năm 2020; cho phép người vay mua nhà ở thương mại giãn tiến độ trả nợ vay, nợ gốc đến hết năm…