Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 3 loại dịch bệnh: dịch cúm gia cầm (tháng 1 - 2010, tại Thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên và Thạch Hà), dịch tụ huyết trùng trâu, bò (tháng 8, tại Kỳ Anh) và dịch LMLM (tháng 9, tại Hương Sơn và Hương Khê).
Nhờ phát hiện sớm và triển khai các giải pháp phòng ngừa nên hầu hết các ổ dịch đều được xử lý dứt điểm không để lây ra diện rộng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai phòng, chống dịch cũng cho thấy những hạn chế như: cấp ủy, chính quyền một số cơ sở còn lơ là với công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; hoạt động của BCĐ phòng, chống dịch và các tổ chức đoàn thể còn thụ động, chưa thường xuyên và kém hiệu quả; công tác tuyên truyền tuy đã được tăng cường nhưng hiệu quả thấp nên nhận thức của một bộ phận người chăn nuôi đối với phòng, chống dịch bệnh chưa cao; tỷ lệ tiêm phòng định kỳ còn thấp, chậm so với thời gian quy định; công tác quản lý, kiểm soát các chợ đầu mối, nơi tập trung vận chuyển động vật và sản phẩm động vật còn bị buông lỏng...
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ nhấn mạnh, dù dịch vẫn còn xảy ra ở một số nơi nhưng đã sớm được dập tắt. Đạt được kết quả đó là nhờ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành thú y.
Hiện nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp trong khi công tác tiêm phòng đợt 2 ở nhiều địa phương còn chậm, tỷ lệ thấp.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, thời gian tới, BCĐ phòng chống dịch tỉnh yêu cầu huyện Hương Sơn, Hương Khê tập trung chỉ đạo các xã đang có dịch thực hiện đồng bộ các biện pháp để bãi dịch trước ngày 15 - 10.
Các địa phương còn lại cần tập trung đẩy mạnh công tác tiêm phòng gia súc, phấn đấu đến ngày 15 - 10, đưa tỷ lệ tiêm phòng toàn tỉnh đạt 85%.
Ngoài ra, cần duy trì các chốt kiểm dịch ở phía Bắc và phía Nam tỉnh, chốt trên đường Hồ Chí Minh, chốt trên các tuyến đường tiểu mạch ở các địa phương tiếp giáp với tỉnh Nghệ An.
Về chế độ cho đội ngũ thú y cơ sở, kể từ ngày 1 - 10, UBND tỉnh sẽ cân đối ngân sách để đảm bảo hoạt động.