Khu vực gầm cầu vượt thuộc phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) là một trong những “bến cóc” tự phát hoạt động khá nhộn nhịp.
Xe khách đường dài dừng đón, trả khách sai quy định ở khu vực gầm cầu vượt TP Hà Tĩnh gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Ảnh tư liệu.
Lợi dụng không gian “mưa không đến, nắng chẳng lo”, rất nhiều người đã chọn đứng ở đây để đón xe ra Bắc, vào Nam. Một số nhà xe cũng mặc nhiên dừng đón khách như một thói quen, chẳng việc gì phải vào bến (!?). Xung quanh “bến cóc” còn mọc lên khá nhiều hàng quán, cộng thêm các phương tiện xe ôm, xe taxi chở khách ăn theo, tạo nên khung cảnh lộn xộn và nguy hiểm.
Bên cạnh đón trả khách dọc đường, khá nhiều nhà xe còn xây nhà, lập các “bến cóc” gần bến xe để thực hiện đón trả khách, bốc dỡ hàng hóa. Như trường hợp của các nhà xe Dũng Minh, Phú Quý, Khánh Truyền... là những ví dụ. Tất cả đều diễn ra mặc nhiên.
Toàn tỉnh hiện tồn tại nhiều điểm đón trả khách trái phép, hay còn gọi là những “bến cóc”. Các “bến cóc” đã gây ra sự lộn xộn, mất ATGT, cạnh tranh thiếu bình đẳng và thách thức pháp luật. Lực lượng chức năng dẹp được chỗ này thì “bến cóc” lại “mọc” lên chỗ khác, phạt lần này thì lần khác lại tái phạm. Nỗ lực dẹp bỏ “xe dù, bến cóc” như một cuộc đuổi bắt chưa biết bao giờ mới đến hồi kết?!
Câu hỏi đặt ra là việc loại bỏ “xe dù, bến cóc” có thực sự khó hay không khi mà những điểm đón trả luôn tồn tại cố định và chỉ cần lực lượng chức năng chốt chặn trong một vài khung giờ cao điểm thì không một nhà xe nào có thể vi phạm.
Liệu rằng có thể áp dụng giải pháp công nghệ như lắp đặt camera tại những điểm nóng để giám sát từ xa, phạt nguội? Ngoài ra, các phương tiện vận tải khách đều được yêu cầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nghĩa là xe dừng ở đâu, đón trả khách như thế nào đều bị giám sát. Vấn đề là liệu được mấy xe tiến hành lắp đặt, lắp rồi liệu có kết nối?
Sở GTVT phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp vận tải về việc kiểm tra xử lý “xe dù bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” (tháng 12/2022).
Luật Giao thông đường bộ đã quy định: Vấn đề tổ chức giao thông và đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp, gắn với đó là trách nhiệm của lực lượng chức năng địa phương.
Còn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi điều khiển phương tiện đón, trả khách không đúng nơi quy định, tùy từng tuyến đường, mức độ sẽ bị xử phạt từ 1-7 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-4 tháng. Quy định rất cụ thể, mức độ xử phạt khá tương xứng, thế nhưng, việc xử lý lại cho thấy chưa có sự quyết liệt và một cách làm hiệu quả.
“Xe dù, bến cóc” dù phức tạp đến mấy cũng chỉ xảy ra tại vài chục điểm cố định và nếu lực lượng chức năng không đủ để cắm chốt thì hoàn toàn có thể thay thế bằng camera giám sát. Những giải pháp không quá khó, không quá tốn kém để loại bỏ một hiện tượng vi phạm tồn tại dai dẳng.