Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, dự kiến tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 từ ngày 21/10 đến ngày 13/11/2024, đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024.
Dự kiến Kỳ họp thứ 8 sẽ là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với việc xem xét, thông qua 16 dự án luật, 2 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu 12 dự án luật. Kỳ họp xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; tiến hành giám sát tối cao; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội
Đối với ý kiến, kiến nghị cử tri tỉnh gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 7, đến nay, có 27/34 nội dung đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trả lời, 7/7 nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh đã được UBND tỉnh trả lời đầy đủ. Sau khi có ý kiến trả lời, đoàn sao gửi để chuyển tải đầy đủ đến các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi cử tri kiến nghị, đồng thời đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng để thông tin kịp thời cho cử tri tỉnh nhà.
Các ĐBQH tỉnh trong đoàn cơ bản tham gia đầy đủ các phiên tiếp công dân định kỳ của tỉnh, tiếp công dân thường xuyên, đột xuất tại trụ sở. Từ sau Kỳ họp thứ 7, đoàn tiếp nhận, xử lý 27 đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh của công dân.
Đoàn báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024; báo cáo nhận xét, đánh giá kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7; báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng.
Trước Kỳ họp thứ 8, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với ủy ban MTTQ các cấp tổ chức để các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại 10 huyện, thị xã, thành phố; lựa chọn tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề về chính sách, pháp luật về nhà giáo, bảo hiểm y tế; tham gia tiếp xúc “cử tri trẻ em”, lấy ý kiến trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em và gặp mặt Đoàn đại biểu tham dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.
Đồng thời đoàn, lấy ý kiến bằng văn bản, tổ chức làm việc với một số cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh để thu thập thông tin. Qua đó, đoàn sẽ tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền Trung ương gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Quốc hội; ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền cấp tỉnh được chuyển UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được ĐBQH đoàn Hà Tĩnh tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, chú trọng hơn việc nghiên cứu kỹ tài liệu, nắm bắt tình hình thực tế để nâng cao chất lượng nội dung phát biểu chất vấn, tranh luận; tập trung phân tích, đánh giá, kiến nghị, đề xuất các giải pháp thiết thực với quyền lợi của Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.
Xây dựng pháp luật sát đúng thực tiễn
Chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, ngay khi có dự thảo luật, nghị quyết và các tài liệu, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, các đối tượng chịu tác động của chính sách, pháp luật.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã và đang phối hợp với một số cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội nghị xây dựng pháp luật, hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về một số dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp như: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân… Các hội nghị về các dự án luật theo nhóm lĩnh vực như: kế hoạch đầu tư; tài chính - thuế; an ninh trật tự… Tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản.
Các ý kiến góp ý được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp kịp thời gửi tới cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi các ĐBQH trong đoàn làm tư liệu tham gia thảo luận, tiếp tục tham gia hoàn thiện các dự án luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các ĐBQH trong đoàn cũng tích cực tham dự hội nghị ĐBQH chuyên trách xây dựng pháp luật, các phiên họp của các ủy ban của Quốc hội để thẩm tra, cho ý kiến về các dự án luật và các nội dung quan trọng liên quan đến kỳ họp tới; tham dự các hội nghị, hội thảo, giám sát, làm việc do các cơ quan của Quốc hội tổ chức.
Chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung thảo luận, xem xét tại kỳ họp
Để tham gia xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp đạt hiệu quả, các ĐBQH cũng đã thu thập tài liệu, chủ động nghiên cứu, tham vấn chuyên gia, các cơ quan chuyên môn, chuẩn bị nội dung thảo luận như: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Trong đó, tập trung đánh giá khái quát kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể với Quốc hội, Chính phủ, nhất là những vấn đề gắn với địa phương.
Đặc biệt, các đại biểu cũng sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để cùng với Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Cùng với Quốc hội tiến hành thận trọng, chặt chẽ xem xét công tác nhân sự theo thẩm quyền; xem xét, quyết định vấn đề quan trọng khác (nếu có).
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát
Chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuẩn bị nội dung để cùng Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề về chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, thời gian qua, các ĐBQH trong đoàn Hà Tĩnh đã tham gia hội nghị chất vấn phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua nghiên cứu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ đề xuất vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lấy ý kiến ĐBQH, Quốc hội sẽ quyết định lựa chọn vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn; khi có nhóm vấn đề, các vị ĐBQH sẽ chuẩn bị nội dung chất vấn cụ thể để tham gia.
Cùng đó, các đại biểu sẽ xem xét các báo cáo chuyên đề của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Với sự chủ động, tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng, các ĐBQH đoàn Hà Tĩnh sẽ tham gia cùng Quốc hội có những quyết sách quan trọng, góp phần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.