Chiều 18/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh thảo luận tổ cùng các đoàn: Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế, vướng mắc trong thực thi luật hiện hành, các đại biểu Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thống nhất sửa đổi Luật Di sản văn hóa tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; thẩm quyền xếp hạng di tích; phân loại di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; định giá giá trị di vật; kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; chính sách xã hội hóa; cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh cho rằng, cần hoàn thiện quy định về di sản văn hóa, tạo thuận lợi giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc; gắn kết việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản với phát triển du lịch; phân loại và tiêu chí nhận diện di sản tư liệu; quy định rõ chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể; tôn vinh, giáo dục về các danh nhân văn hóa; lan toả giá trị các di sản văn hoá cho thế hệ trẻ.
Đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; mở rộng hình thức hợp tác công tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển văn hóa; cân nhắc việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác di sản văn hóa; phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường điện tử.
Đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Cho rằng sửa đổi, bổ sung Luật Dược sẽ góp phần kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý thuốc, tăng khả năng tiếp cận thuốc, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đại biểu Đoàn Hà Tĩnh đề nghị làm rõ căn cứ lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách ưu tiên về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành; quản lý chất lượng thuốc và kiểm soát việc lưu hành thuốc; phân bổ nhân lực thực hiện quản lý nhà nước lĩnh vực y tế, dược; nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các cơ sở kiểm nghiệm thuốc; thanh tra, kiểm tra quảng cáo thuốc; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin quản lý dược.
Các đại biểu đề nghị cần có chính sách hài hòa giữa thu hút đầu tư nước ngoài và bảo đảm phát triển của các doanh nghiệp nội địa, tạo vị thế, tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm dược trong nước. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc kịp thời, chất lượng, giá hợp lý; bình ổn giá thuốc; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền. Đồng thời, cụ thể hóa các điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho các sở y tế.