Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại tổ về 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội

(Baohatinh.vn) - Phát biểu tại buổi thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng - Tổ trưởng Tổ thảo luận 16 thống nhất cao các ý kiến của các đại biểu về 2 dự thảo nghị quyết.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 30/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại tổ về 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tại Tổ số 16 cùng các tỉnh: Cao Bằng, Đồng Nai. Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ.

Tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Đa số các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao đối với sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Việc xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời, để khắc phục những bất cập, hạn chế của Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong quá trình triển khai thực hiện.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại tổ về 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) phát biểu tại buổi thảo luận.

Cùng với đó, một số đại biểu đề nghị cần có quy định đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” chủ động viết đơn từ chức trước khi cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Về nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 5), tại khoản 3, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “sự ổn định”; bổ sung quy định người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có cơ hội trình bày, Quốc hội và Hội đồng nhân dân thảo luận toàn thể. Đồng thời, cần có cơ chế ngăn chặn tình trạng một số cá nhân cơ hội dùng phiếu để để hạ uy tín gạt bỏ cán bộ, do đó cần phải có các giải pháp đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Chính sách mới cần có tính đột phá, đảm bảo khả thi, tránh gây thất thoát, lãng phí

Thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu trong tổ thống nhất với việc ban hành dự thảo, nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại tổ về 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Đình Việt (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) đề nghị đánh giá tính khả thi của các dự án BOT trên các tuyến đường hiện hữu của thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ bản các ý kiến đồng tình với các chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ về việc điều chỉnh mật độ xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh quy hoạch, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với cộng đồng dân cư khu vực phụ cận; làm rõ được khái niệm vùng phụ cận; đánh giá tính khả thi của các dự án đầu tư BOT trên các tuyến đường hiện hữu. Quy định về chính sách phí, lệ phí cần đặt trong tổng thể vùng, đảm bảo tính hài hòa chung với các địa phương khác. Việc giao ủy quyền cho địa phương đối với dự án đầu tư công cần có kiểm soát chặt chẽ.

Phân cấp, phân quyền, tạo tính chủ động cho các địa phương

Phát biểu kết thúc buổi thảo luận tổ, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng thống nhất cao với các ý kiến phát biểu, đồng thời tham gia góp ý một số nội dung nhằm nâng cao tính khả thi của 2 dự thảo nghị quyết.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại tổ về 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội

Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu kết thúc thảo luận tổ.

Với dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), cần quy định rõ hơn về lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, nhất là ở cấp xã; bổ sung mẫu phiếu đánh giá cán bộ thêm hai nội dung về năng lực công tác và phẩm chất đạo đức; nghiên cứu thay cụm từ “Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” bằng cụm từ “Xử lý kết quả tín nhiệm của người được lấy tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm”.

Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn ĐBQH Hoàng Trung Dũng cho rằng, cần quy định phân cấp, phân quyền, tạo tính chủ động cho các địa phương; cho phép thành phố Hồ Chí Minh tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực từ người dân.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Lãnh đạo tỉnh, ngành cấp tỉnh mong muốn bà con nhân dân tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng bền vững, cùng nhau góp sức xây dựng đô thị thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh văn minh, hiện đại.