Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận tổ liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Kỳ họp bất thường đã kịp thời xem xét, ban hành các quyết sách nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân. Kỳ họp đã thu hút được đông đảo đồng bào, cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm.
Tại kỳ họp bất thường, các vị ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh tham gia đầy đủ các phiên họp trực tuyến của Quốc hội và phiên họp của Đoàn. Thông qua 4 buổi thảo luận trực tuyến, 3 buổi thảo luận ở tổ đã có 21 lượt ĐBQH trong Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu với nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng vào dự án luật và các nghị quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn tham gia phiên thảo luận của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh
Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả thực thi pháp luật, những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và cả những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn tại địa phương liên quan đến đầu tư công, hoạt động đầu tư, quản trị doanh nghiệp, thuế tiêu thu đặc biệt, đấu thầu, thi hành án dân sự, điện lực. Từ đó, đề xuất các kiến nghị cụ thể đối với từng luật, đồng thời đề nghị sớm sửa đổi toàn diện Luật Điện lực, Luật Thi hành án dân sự… đảm bảo tính khả thi, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật.
Đóng góp ý kiến về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu đoàn Hà Tĩnh cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ngay từ khâu xây dựng, hoạch định; rà soát kỹ, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, tính toán việc huy động nguồn lực bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
Đồng thời, cần có giải pháp cụ thể về tháo gỡ các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để các đối tượng vay vốn phục hồi phát triển sản xuất; cần quy định chi tiết hơn các chính sách tài chính, tiền tệ, nâng cao năng lực quản trị rủi ro hệ thống ngân hàng, tránh lạm phát, dòng tiền chảy sang kênh chứng khoán, bất động sản; có chính sách đảm bảo ổn định nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận tổ tại Hà Tĩnh.
Về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 109 km đi qua địa bàn Hà Tĩnh, các đại biểu nhất trí cao việc đầu tư toàn bộ theo hình thức đầu tư công, khẳng định đây là công trình có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Để đảm bảo tiến độ, đại biểu Hà Tĩnh đề nghị giao hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho địa phương thực hiện phải ưu tiên bố trí ngân sách trung ương và tạo cơ chế đặc thù trong triển khai; phối hợp chặt chẽ, sớm có kế hoạch di dời các công trình nằm trong phạm vi hướng tuyến dự án, nhất là các công trình quốc phòng an ninh.
Bên cạnh đó, phải rà soát, bổ sung quy hoạch, đẩy nhanh thủ tục cấp phép, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu phục vụ dự án; bố trí kinh phí đầu tư đường công vụ, nếu mượn đường dân sinh làm đường công vụ phải có phương án hoàn trả trước khi thông xe cao tốc, không để ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Trần Đình Gia phát biểu trực tuyến về chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Tham gia thảo luận về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, ý kiến các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết bởi Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong. Các đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, tính toán tăng cường hơn nữa cơ chế quản lý tài chính, ngân sách nhà nước cho Cần Thơ, quan tâm bảo vệ môi trường trong triển khai các dự án tại vùng; đồng thời, đề xuất áp dụng cơ chế cho tất cả các địa phương được chủ động quyết định sử dụng số dư cân đối nguồn cải cách tiền lương hằng năm để bổ sung chi thu nhập tăng thêm.
Cùng với đó, đại biểu đoàn Hà Tĩnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới của dịch COVID-19 (Omicron) để bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia bấm nút thông qua Nghị quyết kỳ họp bất thường.
Có thể thấy, tinh thần và kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng với các chính sách mới được ban hành, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, hi vọng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025, đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của Nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc.